Xã hội

Cần tăng cường hậu kiểm hoạt động quảng cáo thuốc

Đình Hiệp 26/06/2024 17:04

Chiều 26-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

nguyen-thi-thanh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp chiều 26-6. Ảnh: Quochoi.vn.

Quy định hậu kiểm đối với hoạt động quảng cáo thuốc

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định về việc thông tin và quảng cáo thuốc.

nguyen-thi-viet-nga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu cho rằng: "Chúng ta đang áp dụng cơ chế quản lý tiền kiểm đối với quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng. Trên thực tế, hoạt động quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng vẫn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó có nhiều quảng cáo phóng đại gây nhầm lẫn, thậm chí lừa dối người tiêu dùng tràn lan trên các kênh thông tin khác nhau, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội, gây bức xúc trong cử tri và nhân dân".

“Đề nghị tiếp tục duy trì chế độ hậu kiểm như hiện nay; đồng thời cần tăng cường công tác hậu kiểm để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng thời gian tới”, đại biểu kiến nghị.

pham-thi-kieu.jpg
Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn.

Đồng tình với nhận định trên, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) kiến nghị: “Đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu xây dựng các quy phạm chặt chẽ hơn trong kinh doanh dược”.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) bày tỏ quan tâm đến vấn đề rà soát, bổ sung thuốc và danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. Cử tri hiện nay rất quan tâm đến danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả, tỷ lệ được hưởng bảo hiểm y tế đối với những thuốc đồng chi trả và danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở.

tran-nhi-ha.jpg
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn.

Vì thế, đại biểu đề nghị cần bổ sung vào dự thảo Luật quy định về việc ban hành danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. Theo đó, nội dung quy định mới bao gồm các nguyên tắc, điều kiện đưa thuốc vào danh mục; quy trình, thủ tục rà soát, bổ sung thuốc vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần quan tâm việc cập nhật danh mục. Việc này phải được thực hiện hằng năm và giao Bộ Y tế quy định chi tiết.

nguyen-anh-tri.jpg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) phát biểu: Ảnh: Quochoi.vn.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, sự chậm trễ trong việc bổ sung thuốc vào danh mục bảo hiểm gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị cho người bệnh.

Thêm vào đó, Bộ Y tế cần phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xây dựng điều khoản quy định về điều chỉnh tỷ lệ chi trả hằng năm. Qua đó bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh ác tính phải điều trị lâu dài.

Kiến nghị không điều chỉnh sản phẩm oxy y tế

tran-khanh-thu.jpg
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn.

Thảo luận về quy định điều kiện lưu hành oxy y tế điều chỉnh ở phạm vi dự thảo Luật Dược lần này, theo đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình), nếu quản lý oxy y tế như thuốc như hiện nay, không có cơ sở sản xuất nào trên toàn quốc đáp ứng yêu cầu về Thực hành tốt sản xuất thuốc GMP theo khuyến cáo của WHO đối với oxy.

Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị không điều chỉnh sản phẩm oxy y tế tại dự thảo Luật lần này. Để tránh tạo khoảng trống pháp lý, nguy cơ sai phạm trong chuyên môn khi bác sĩ chỉ định dùng oxy cho người bệnh, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền văn bản pháp luật để quản lý oxy y tế và các sản phẩm khí khác dùng trong y tế.

dai-bieu-1.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại hội trường chiều 26-6. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) quan tâm đến quy định về áp dụng thương mại điện tử, bán thuốc online. Đại biểu cho rằng, chúng ta quản lý nhà thuốc truyền thống còn chưa nổi mà giờ lại tính đến việc bán thuốc online sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng, rất khó phát hiện và xử lý.

pham-khanh-phong-lan.jpg
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu đề nghị: "Tuyệt đối không đưa thuốc kê đơn vào danh mục có thể phân phối qua thương mại điện tử. Đối với thuốc không kê đơn, việc áp dụng thương mại điện tử phải được cân nhắc ở giai đoạn khi nền pháp lý của chúng ta đã được hoàn thiện chặt chẽ và phải được tổ chức trong một khuôn khổ an toàn và trật tự hơn".

la-thanh-tan.jpg
Đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan tới kiểm soát thị trường thuốc kinh doanh qua các hệ thống quầy thuốc, đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng) chỉ rõ, việc người bán thuốc tự chẩn bệnh, kê đơn và tư vấn cho người mua dù hoàn toàn không có bằng cấp chuyên môn tương ứng về lĩnh vực y, dược còn khá phổ biến. Từ đó dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khoẻ của người dân như dùng sai chỉ định, dùng quá liều, tác dụng phụ của thuốc..., đại biểu đề nghị bổ sung các quy định, chế tài cụ thể để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa vấn đề này.

y-te.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, các ý kiến của đại biểu đều nhất trí cao với việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện Luật Dược để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm nguồn cung thuốc, phục vụ tốt nhất cho đời sống người dân.

Bộ trưởng cho rằng: "Chúng ta đã có chiến lược phát triển ngành Dược định hướng 2030 tầm nhìn 2045; đồng thời đã có những quy định pháp luật liên quan tới đấu thầu thuốc, các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân. Đặc biệt là Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị năm 2023 về việc phát triển công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước là những điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp dược".