Quận Hai Bà Trưng: Sẽ gắn biển ba công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), quận Hai Bà Trưng sẽ tổ chức gắn biển ba công trình lớn cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn.
Trao đổi với Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định, đây là ba công trình đáp ứng nhu cầu thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế địa phương.
- Cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, quận Hai Bà Trưng sẽ có hoạt động gì chào mừng sự kiện quan trọng này, thưa bà?
- Thực hiện các Kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, quận đã ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Trong đó nổi bật là quận đăng ký thực hiện ba công trình tiêu biểu (hai công trình cấp thành phố và một công trình cấp quận) để gắn biển chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Cụ thể, hai công trình cấp thành phố là: Trường Tiểu học Võ Thị Sáu ở 349 phố Minh Khai, sẽ hoàn thành và lắp đặt trang thiết bị xong trong tháng 7, gắn biển công trình vào ngày 15-8. Công trình thứ hai là dự án chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Thiền Quang và sẽ gắn biển vào cuối tháng 9. Một công trình cấp quận là dự án cải tạo vườn hoa Thi Sách - Nguyễn Công Trứ, sẽ được gắn biển công trình vào cuối tháng 9.
Ngoài ra, quận đã và đang tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể thao, quảng bá du lịch… như liên hoan văn nghệ quần chúng cấp quận và lựa chọn đội thi cấp thành phố. Quận đang triển khai cuộc thi văn hóa đọc và thi cấp quận trong tháng 7...
- Thưa bà, ba công trình này có ý nghĩa như thế nào đối với người dân quận Hai Bà Trưng?
- Cả ba công trình này đều liên quan đến lĩnh vực giáo dục, văn hóa cũng như đời sống của người dân. Trong đó, quận đã ban hành quyết định thành lập Trường Tiểu học Võ Thị Sáu nằm trên địa bàn phường Vĩnh Tuy. Đây là phường có dân số đông nhưng hiện nay chỉ có một trường tiểu học, vì vậy, một ngôi trường tiểu học mới sẽ góp phần giảm bớt áp lực về số lượng học sinh đầu cấp trên địa bàn phường. Trường Tiểu học Võ Thị Sáu có quy mô 20 lớp học và xây dựng đạt chuẩn quốc gia, bắt đầu phân tuyến tuyển sinh từ năm học 2024-2025, nên người dân trên địa bàn rất phấn khởi.
Đối với dự án chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Thiền Quang, sau khi hoàn thành sẽ kết nối khu vực vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang và trục phía Bắc của Công viên Thống Nhất thành không gian đi bộ hoàn chỉnh. Nơi đây sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa, du lịch trong không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và vùng phụ cận vào dịp cuối tuần.
Đối với khu vực vườn hoa Thi Sách - Nguyễn Công Trứ, sau khi đi vào hoạt động sẽ tạo một diện mạo mới cho cuộc sống người dân nơi đây với các hoạt động vui chơi, thể thao trên địa bàn.
Cả ba công trình ý nghĩa này đều bảo đảm tiến độ để gắn biển vào đúng thời điểm chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
- Chăm lo mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội cũng như nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Hà Nội. Thời gian qua, quận Hai Bà Trưng đã triển khai nhiệm vụ này như thế nào, thưa bà?
- Đây là một trong những nhiệm vụ mà quận đặt ra không chỉ trong nhiệm kỳ này. Quận ủy đã xây dựng các chương trình công tác cụ thể, trong đó có Chương trình 05-CTr/QU của Quận ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quận Hai Bà Trưng giai đoạn 2021-2025” (Chương trình 05) nhằm cụ thể hóa Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Cùng với đó, quận đã xây dựng website các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn với tên gọi “360° Di tích lịch sử - văn hóa quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội”. Có thể nói, Hai Bà Trưng là quận đầu tiên của thành phố thực hiện nội dung này, với 100% cơ sở di tích được số hóa. Quận cũng ra mắt cuốn cẩm nang du lịch (sách in và sách điện tử) và sắp tới đây tiếp tục ra mắt cuốn sách về các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận.
Thời gian qua, quận có nhiều mô hình cải cách hành chính để nâng cao chất lượng, phục vụ cuộc sống của người dân cũng như doanh nghiệp trên địa bàn. Trong khi đó, MTTQ cũng như các tổ chức chính trị - xã hội của quận cũng tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội, tích cực hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để họ vượt qua khó khăn; hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chăm lo cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi…
- Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là sự kiện có ý nghĩa đối với người dân Thủ đô. Ngoài những công trình có ý nghĩa thiết thực, Đảng bộ, chính quyền muốn gửi gắm điều gì đối với người dân của quận Hai Bà Trưng, thưa bà?
- Đến thời điểm này, tất cả các nhiệm vụ mà thành phố giao cho luôn được quận thực hiện với nỗ lực, quyết tâm cao nhất để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó, quận đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đội ngũ cán bộ, công chức để phục vụ người dân tốt hơn. Đồng thời, quan tâm đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa gắn với du lịch, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng tốt hơn; xây dựng quận là điểm đến năng động, sáng tạo.
Mong rằng, nhân dân luôn tin tưởng, đồng hành cùng với cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở để chung tay xây dựng quận Hai Bà Trưng ngày càng văn minh, hiện đại, đóng góp quan trọng xây dựng Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như sinh thời Bác Hồ hằng mong.
- Trân trọng cảm ơn bà!