Hài hòa bảo tồn với phát triển
Hôm nay (26-6), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Với 9 chương, 102 điều, tăng 2 chương, 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương, 73 điều), dự thảo luật được kỳ vọng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Có thể nhận thấy, sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng nhận được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng hiệu quả, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho cộng đồng nơi có di sản hoặc nắm giữ, thực hành di sản, góp phần thu hút du lịch..., tạo thêm thế và lực cho phát triển kinh tế - xã hội của từng đơn vị, địa phương nói riêng và đất nước nói chung.
Hiện nay, trên cả nước có tới hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố được xếp hạng, trong đó có 3.614 di tích quốc gia và 128 di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài ra có trên 40.000 di tích được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Cùng với đó là khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, với 498 di sản văn hóa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tuy nhiên, trước những diễn biến từ thực tế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực. Nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh, cùng với việc nhiều di sản được khai thác hiệu quả giá trị, vẫn còn không ít di tích khác đang bị ứng xử chưa đúng, dẫn đến nhiều vấn đề trong công tác bảo tồn và phát huy.
Vì thế, việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, từng bước đưa di sản văn hóa đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Một trong những nội dung được các chuyên gia, nhà khoa học rất quan tâm và chia sẻ ý kiến là dù ở góc độ nào, dự thảo luật cũng cần thể hiện rõ quan điểm không đánh đổi, không tạo sức ép lên di sản chỉ vì mục tiêu phát triển kinh tế. Vì thế, các ý kiến thảo luận cần hướng đến mục đích quan trọng là sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, từ đó đề xuất chính sách điều chỉnh.
Đặc biệt là các chính sách cần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới, trên tinh thần phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn, khai thác di sản văn hóa; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện nhằm quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương...
Có như vậy, chúng ta mới xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, theo đúng phương châm “không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi di sản văn hóa và môi trường”.