Thế giới

Gia tăng số vụ khủng bố tại châu Phi và Nam Á: Thêm thách thức cho an ninh khu vực

Quỳnh Dương 26/06/2024 - 06:55

Trong khi số vụ khủng bố ở các nước phương Tây có chiều hướng giảm thì tại các nước Nam Á và châu Phi tiếp tục tăng mạnh do bất ổn kéo dài. Diễn biến này đang làm gia tăng thách thức cho các nước trong khu vực về việc bảo đảm an ninh quốc gia.

pakistan.jpg
Hiện trường vụ đánh bom khủng bố tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa (Pakistan). Ảnh: The Free Press

Chỉ số Khủng bố Toàn cầu (GTI) cập nhật gần đây nhất cho thấy, số ca tử vong do khủng bố đã tăng lên cao nhất kể từ năm 2017. Trong đó, Nam Á với các quốc gia Bhutan, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka, Ấn Độ, Pakistan và Afghanistan là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Riêng Pakistan đã chứng kiến 490 vụ tấn công vào năm 2023.

Từ đầu năm 2024 tới nay, số người thiệt mạng do khủng bố được ghi nhận đã lên tới con số 300, bao gồm hàng chục nhân viên an ninh, quan chức. Ngay cuối tuần trước, 5 binh sĩ Pakistan đã thiệt mạng khi một thiết bị nổ tự chế đã làm nổ tung chiếc xe chở họ ở khu vực biên giới với Afghanistan.

Theo Giám đốc Nghiên cứu GTI Thomas Morgan, Pakistan luôn có mức độ khủng bố trong nhóm cao nhất thế giới. Phần lớn các vụ khủng bố diễn ra dọc theo khu vực biên giới như Balochistan và Khyber Pakhtunkhwa. Nhìn chung, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn là tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất, chịu trách nhiệm về phần lớn cuộc tấn công thông qua các chi nhánh. Tuy nhiên, tại Pakistan, các tổ chức như Tehreek-E-Taliban (TTP) và Deobandi đang trở nên mạnh hơn so với IS.

Trong bối cảnh phải đối mặt với các cuộc tấn công gần như hằng ngày nhằm vào nhân viên an ninh, mới đây, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã quyết định tiến hành chiến dịch “Azm-e-Istehkam” (tạm gọi là "Quyết tâm vì sự ổn định") nhằm chống lại các mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan và khủng bố một cách toàn diện.

Ngoài việc tăng cường đổi mới các lực lượng vũ trang, cơ quan thực thi pháp luật sẽ được cải cách và có thể đưa ra nhiều biện pháp để hỗ trợ truy tố hiệu quả các trường hợp liên quan đến khủng bố. Hệ thống thông tin tình báo để phát hiện, truy quét các nhóm khủng bố cũng được củng cố, đầu tư mạnh.

Người phát ngôn quân đội Pakistan, Thiếu tướng Ahmed Sharif Chaudhry cho biết, lực lượng an ninh đã tiến hành hơn 13.000 hoạt động truy quét khủng bố dựa trên thông tin tình báo trong năm nay, chủ yếu ở Khyber Pakhtunkhwa và Balochistan.

Tại châu Phi, những bất ổn về chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương, an ninh biên giới lỏng lẻo đang tạo điều kiện thúc đẩy sự xuất hiện trở lại của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và IS. Burkina Faso đứng đầu danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các nhóm thánh chiến liên kết với Al-Qaeda và tổ chức IS tăng mạnh các cuộc tấn công và chiếm giữ lãnh thổ tại quốc gia này.

Thời gian vừa qua đã xuất hiện nhiều cảnh báo về việc IS ở sa mạc Sahara đang tận dụng tình trạng thiếu kiểm soát các hoạt động chống khủng bố, đặc biệt là ở khu vực biên giới 3 nước Burkina Faso, Mali và Niger.

IS cũng đang lợi dụng mọi cơ hội ở Congo để hậu thuẫn Lực lượng Dân chủ Đồng minh (ADF) mở rộng địa bàn hoạt động. Mối đe dọa khủng bố ở châu Phi ngày càng trầm trọng hơn do tình trạng thất nghiệp, nghèo đói, thiếu chính sách phát triển.

Không chỉ thiệt hại về người, ảnh hưởng tiêu cực của chủ nghĩa khủng bố còn được đo lường bằng hậu quả kinh tế nặng nề. Bất ổn chính trị, thiếu vốn đầu tư nước ngoài đang cản trở hoạt động kinh tế địa phương, gây thiệt hại tới hàng tỷ USD mỗi năm cho các quốc gia thuộc nhóm nghèo nhất thế giới.

Một vòng luẩn quẩn gây phẫn nộ trong dân chúng lại tạo cơ hội cho chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy, củng cố sức mạnh. Điều này đang cản trở tiến trình đạt được trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững và Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi (AU).

Giới chuyên gia chống khủng bố quan ngại tình hình an ninh toàn cầu đang xấu đi khiến mối đe dọa khủng bố trở nên phức tạp và phi tập trung hơn. Những kẻ cực đoan ngày càng sử dụng công nghệ tinh vi. Máy bay không người lái cùng với trí tuệ nhân tạo đã mở ra những cách thức mới, giúp chúng lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công.

Để đạt được nhiều tiến bộ trong cuộc chiến này, nhiều ý kiến cho rằng, các nước trên thế giới không chỉ phải đoàn kết trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công mà còn cần phải nghiêm túc tập trung vào việc ngăn ngừa tận gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố, bằng cách giải quyết vấn đề đói nghèo, tình trạng phân biệt đối xử, cơ sở hạ tầng yếu kém cũng như các nguyên nhân cơ bản khác.