Chậm nâng hạng thị trường nên khối ngoại tăng bán ròng?
Đến hẹn lại lên, hằng năm trước thời điểm 2 tổ chức đánh giá xếp hạng quốc tế là MSEL và FTSE công bố thông tin khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam, trong khi cơ quan quản lý hồi hộp chờ đợi thì các nhà đầu tư lại rơi vào tâm thế hứng khích.
Nhưng như thông tin của MSEL công bố ngày 21-6-2024, vấn đề nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi của thị trường chứng khoán nước ta vẫn trong lộ trình kỳ vọng thêm một năm, thậm chí vài ba năm nữa, chứ không thể là năm 2025 như mục tiêu đặt ra.
Sự đối nghịch trên thị trường chứng khoán
Sau cơn “ác mộng” của năm 2022, từ năm 2023 đến nay, thị trường chứng khoán trong nước đã hồi phục mạnh và tăng trưởng tốt, nhưng nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng ngày càng mạnh hơn. Chỉ số VNIndex kết phiên cuối năm 2023 tăng hơn 12,19% so với phiên cuối năm 2022, phiên 21-6-2024 sau chưa đầy 6 tháng, đã tăng hơn 13,46% so với phiên cuối năm 2023.
Nhưng theo số liệu trang điện tử “Cổ phiếu 68.vn” công bố, năm 2023 nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên 3 sàn giao dịch chứng khoán là 19.499 tỷ đồng, đặc biệt từ đầu năm 2024 đến phiên 21-6-2024 con số này là 44.670 tỷ đồng, gấp hơn 2,29 lần cả năm 2023.
Tại sao các nhà đầu tư ngoại liên tục bán ròng với mức lớn như vậy nhưng chỉ số của thị trường vẫn tiếp tục tăng? Một điều dễ hiểu, bởi các nhà đầu tư nội đang lội ngược dòng trên thị trường chứng khoán. Thực tế giao dịch trên thị trường cho thấy, nhà đầu tư nội đang đóng vị thế dẫn dắt và áp đặt xu hướng giá lên của thị trường.
Đó là vấn đề đối nghịch cần được nhận diện, phân tích, giúp ích cần thiết trong câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán nước ta. Bởi vì, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi thành công, không đơn thuần nhằm gia tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà là tạo cơ hội để thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp nhận nguồn vốn lớn, ổn định, từ các định chế quỹ đầu tư chuyên nghiệp quốc tế.
Một sự đối nghịch khác tưởng chừng vô lý, có nhiều mã cổ phiếu, như VHM, MSN, VNM, FPT, HPG, ABB, VPB, TCB,… trong khi nhà đầu tư ngoại xả, bán ròng mạnh, thì nhà đầu tư cá nhân nội lại tích cực hút, mua ròng. Đây là nhóm cổ phiếu được thị trường đánh giá doanh nghiệp đang khó khăn, rơi vào chu kỳ thoái trào sau giai đoạn tăng “nóng” 2021 và đầu năm 2022.
Vấn đề cần quan tâm là, cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nước ta cho thấy thị phần nhà đầu tư cá nhân trong nước đang chiếm khoảng 90%. Do nhà đầu tư cá nhân áp đảo nên hoạt động đầu cơ đang lấn át hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong ngắn hạn, nếu không gia tăng được đáng kể tỷ trọng nhà đầu tư là tổ chức, thị trường chứng khoán khó có thể chuyển vào sân chơi thị trường mới nổi an toàn được.
Tại sao nhà đầu tư ngoại bán ròng ngày càng mạnh?
Nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trên thị trường chứng khoán nước ta là các nhà đầu tư tổ chức, tập trung chủ yếu là các quỹ đầu tư. Họ được cho là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, từng có kinh nghiệm đầu tư trên nhiều thị trường chứng khoán phát triển và các thị trường chứng khoán mới nổi trong khu vực.
Vì vậy, sẽ không thuyết phục, khi cho rằng nguyên nhân nhà đầu tư ngoại liên tục bán ròng mạnh là do việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra chậm, làm cho nhà đầu tư ngoại thất vọng. Công bằng, thì đây cũng được cho là góp phần nhỏ vào nguyên nhân, nhưng rõ ràng không đáng kể.
Cho nên nguyên nhân khác là chủ yếu, trong đó có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân nội tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Có thể điểm qua các nguyên nhân chính sau:
Trước hết về khách quan, từ cuối năm 2022 đến nay dường như trên toàn cầu đang diễn ra một cuộc tái cấu trúc các dòng vốn quốc tế. Trong đó, tái cấu trúc dòng vốn trên các thị trường chứng khoán đòi hỏi diễn ra nhanh hơn vì chịu tác động rủi ro cao hơn. Cuộc tái cấu trúc này bắt nguồn từ câu chuyện đồng USD ngày càng tăng giá cùng quá trình Fed (Ngân hàng Trung ương Mỹ) liên tục 11 lần nâng lãi suất, lên biên độ 5,25%-5,5% từ tháng 7-2023 đến nay.
Khi đồng USD lên giá mạnh đồng nghĩa ép các đồng tiền “yếu” rớt giá sâu, trong đó có đồng tiền Việt Nam. Tính từ đầu năm đến nay VND đã mất giá gần 5% so với USD. Trong bối cảnh đó, việc các nhà đầu tư ngoại liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán là điều dễ hiểu.
Thứ hai về nguyên nhân nội tại, giao dịch đầu cơ trên thị trường chứng khoán cận biên Việt Nam ngày càng bào mòn niềm tin các nhà đầu tư ngoại. Cùng với đó, cấu trúc hàng hóa thị trường chưa phản ánh khách quan sự phát triển của nền kinh tế (Chủ yếu nhóm cổ phiếu ngân hàng, dịch vụ tài chính, bất động sản), trong khi sự minh bạch thông tin thị trường chưa được cải thiện đáng kể.
Nâng hạng thị trường vẫn chỉ là kỳ vọng?
Tháng 7-2018 thị trường chứng khoán Việt Nam được các tổ chức xếp hạng quốc tế đưa vào danh sách nhóm các thị trường cận biên cần theo dõi để nâng lên thị trường mới nổi. Đến nay đã trải qua 6 năm, thời gian chưa phải là dài nhưng rõ ràng không phải là ngắn.
Nhưng như đề cập ở trên, công bố ngày 21-6-2024 từ MSEL dường như đã chặn lại kỳ vọng năm 2025 thị trường chứng khoán nước ta sẽ nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi, do còn quá nhiều nút thắt cần được tháo gỡ. Cho nên kỳ vọng nâng hạng thị trường của thị trường chứng khoán nước ta chỉ vẫn tiếp là kỳ vọng.
Hiện tại còn 8/18 tiêu chí cần cải thiện để đáp ứng quy định của MSEL, đó là: giới hạn sở hữu nước ngoài (1), room của nhà đầu tư ngoại (2), mức độ tự do trên thị trường ngoại hối (3), doanh nghiệp công bố thông tin song ngữ (4), đăng ký tài khoản (5), quy định về thị trường (6), luồng thông tin (7), thanh toán bù trừ (8).
Trong 8 tiêu chí nêu trên, có thể thấy 6 tiêu chí từ (3) đến (8) nói chung thuộc về cải thiện quy chế, quy định mang tính kỷ thuật, nên cơ quan chức năng có thể tháo gỡ. Vấn đề ở đây chắc phải kiên trì, tích cực với quỹ thời gian nhiều tháng, thậm chí hằng năm, mới xử lý được. Còn tiêu chí (1) và (2), việc cải thiện các tiêu chí này chắc chắn động chạm đến điều chỉnh thể chế kinh tế, thậm chí gắn liền với an ninh quốc gia, nên không hề đơn giản.
Các nhà đầu tư nước ngoài là những nhà đầu tư chứng khoán giàu kinh nghiệm. Cho nên danh mục đầu tư họ sẽ lựa chọn là cổ phiếu của các công ty lớn, đầu ngành, có lợi thế cạnh tranh cao. Việc nới tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ và room cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo cơ hội thâu tóm công ty, ngành và từng lĩnh vực kinh doanh yết hầu của nền kinh tế.
Nói như vậy để cho thấy, đây là việc lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chức năng từ Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan, đến Chính phủ, Quốc hội. Điều đó cũng cho thấy việc đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán không là câu chuyện ngày một ngày hai là có thể thành công.
Tiến sĩ Phan Văn Thường
(Đại học Quốc tế Hồng Bàng)