Pháp luật

Ai chịu trách nhiệm khi người thuê xe máy gây tai nạn?

Ngọc Anh - Lương Sơn 25/06/2024 - 15:56

Có nhiều hệ lụy mà người thuê và người cho thuê xe máy chưa lường hết được nếu không tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật.

Ngày 24-6, TAND thành phố Đà Nẵng xét xử vụ án “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”. Theo cáo trạng, chiều 28-6-2023, anh G.J.L (1990, quốc tịch Mỹ) đến tiệm cho thuê xe máy của anh Đặng Nguyên Vũ (1991; trú tại quận Hải Châu, Đà Nẵng) trên đường Hà Bổng (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) để thuê xe máy.

a234.jpg
Các bị cáo Đặng Nguyên Vũ và Trần Ngọc Lĩnh tại phiên tòa hôm 24-6. Ảnh: LS

Mặc dù biết rõ ông G.J.L không có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật Việt Nam nhưng Vũ vẫn cho ông G.J.L thuê xe máy dung tích xi lanh 125cc. Sau đó, ông G.J.L, đã có nồng độ cồn, chạy xe lấn làn trên đường Hoàng Sa (Đà Nẵng), va chạm với xe ô tô do Trần Ngọc Lĩnh (sinh năm 2002; trú tại quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng; có giấy phép lái xe hạng B2) lưu thông hướng ngược lại, lấn làn khi vượt xe. Hậu quả, ông G.J.L ngã ra đường và tử vong.

Theo Hội đồng xét xử, trong vụ án này, hành vi của Trần Ngọc Lĩnh vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 13 và điểm d khoản 5 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ; còn Đặng Nguyên Vũ vi phạm quy định tại khoản 10 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ.

Xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Trần Ngọc Lĩnh mức án 18 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và Đặng Nguyên Vũ 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.

a235.jpg
Khi có tai nạn xảy ra, hệ lụy việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển rất phức tạp. Ảnh: LS

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người giao xe máy, mô tô cho người không đủ điều kiện điều khiển, lưu hành trên đường (vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ), nếu chưa gây tai nạn, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô; từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô.

Nếu người thuê xe gây tai nạn, chủ phương tiện đã giao xe sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù lên đến 7 năm.

a230.jpg
Nhu cầu khách du lịch thuê xe máy để đi lại là rất cao ở nhiều điểm du lịch phía Nam. Ảnh: LS

Hiện nay, ở nhiều thành phố du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); các đảo du lịch như Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)..., dịch vụ cho thuê xe máy rất phổ biến, thủ tục dễ dàng. Du khách chỉ cần xuống quầy lễ tân khách sạn, nhân viên khách sạn tận tình hướng dẫn. Chỉ ít phút sau, có người mang xe máy đến tận nơi cho khách mà không cần hỏi bằng lái hay giấy tờ tùy thân.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty Luật ATG, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng) nhận xét: “Một số trường hợp người cho thuê xe chủ quan vẫn giao xe cho khách dù biết họ không có đủ giấy tờ theo quy định. Điều này là vi phạm pháp luật và người cho thuê sẽ phải chịu hậu quả khi có vấn đề xảy ra. Cả hai bên cần nâng cao ý thức trách nhiệm hơn nữa trong việc này”.

Vụ án TAND thành phố Đà Nẵng vừa xét xử là lời nhắc nhở đáng chú ý đối với người có hoạt động cho thuê xe máy nói chung, tại các địa điểm du lịch nói riêng.