Sức khỏe

Làm sao để có sức khỏe tốt, tâm lý vững vàng vượt vũ môn?

Thu Trang 24/06/2024 - 17:50

Ngày 27-6 tới, các thí sinh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Trước áp lực thi cử, không ít học sinh rơi vào trạng thái lo lắng, căng thẳng, bất an và “tuột dốc” về sức khỏe.

Vậy làm thế nào để có được sức khỏe tốt, một tâm lý vững vàng để vượt qua kỳ thi quan trọng này?

no-luc-on-tap.jpg
Nhiều học sinh nỗ lực ôn tập trước kỳ thi. Ảnh: Hồng Hải

Những sai lầm tránh mắc phải

Càng đến gần ngày thi, áp lực đối với học sinh càng lớn. Thậm chí, có những học sinh học ngày, học đêm mà bỏ qua vấn đề giữ gìn sức khỏe của bản thân.

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, em Đặng Phương Linh, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho biết: “Những ngày này, em thường thức xuyên đêm để ôn bài. Đây là một kỳ thi quan trọng, có tính quyết định nên em cảm thấy rất căng thẳng, lo lắng”.

Đề cập đến thói quen học vào ban đêm của không ít học sinh, PGS.TS Bùi Thị Nhung (Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia) lưu ý, việc thức đêm thường xuyên gây tác hại khôn lường đến sức khỏe của trẻ đang trong giai đoạn trưởng thành.

“Đi ngủ sớm giúp cơ thể tiết ra hoóc môn tăng trưởng và có một giấc ngủ sâu, hồi phục sức khỏe cho ngày làm việc mới. Ngược lại, thức khuya thường xuyên gây ra những tác động có hại cho cơ thể, như mệt mỏi, uể oải vào ngày hôm sau, nhất là ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao, sự tập trung, tỉnh táo… Thậm chí, nếu tình trạng này cứ kéo dài còn có thể gây mất ngủ”, PGS.TS Bùi Thị Nhung phân tích.

Một sai lầm nữa mà nhiều học sinh đang mắc phải, đó là việc lạm dụng trà, cà phê… để giữ tỉnh táo khi thức khuya. Thế nhưng, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, đây là biện pháp gây tỉnh táo ép buộc không nên khuyến khích. Bởi vì sau khi hết giai đoạn tỉnh táo do các chất kích thích mang lại sẽ dẫn đến giai đoạn buồn ngủ và gây mệt mỏi hơn, thậm chí khiến thần kinh căng thẳng hơn…

Bên cạnh đó, do bận học, bận ôn thi nên nhiều học sinh thường bỏ qua bữa sáng. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hải Yến (Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội) cho rằng, bữa sáng là bữa ăn quan trọng không thể bỏ qua đối với sức khỏe tổng thể, đặc biệt là sức khỏe não bộ.

Bởi theo lý giải của vị chuyên gia này, bữa sáng là bữa ăn đầu tiên sau khi ở trạng thái nhịn ăn trong khi ngủ. Khi thức dậy, lượng đường trong máu thấp, có thể tự động ảnh hưởng đến nhận thức. Vì vậy, ăn sáng là cơ hội đầu tiên trong ngày để nuôi dưỡng não bộ và ổn định lại đường huyết.

Việc bỏ bữa ăn sáng sẽ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể, làm chậm quá trình trao đổi chất, khiến cơ thể mệt mỏi, không được tỉnh táo và rất khó tập trung… Điều đó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả học tập.

Ngoài ra, bước vào mùa thi, do quá lo lắng, căng thẳng, nhiều học sinh ăn không thấy ngon. Thậm chí, một số em còn bị stress và phải điều trị rối loạn tâm lý. Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương từng tiếp nhận một số học sinh gặp các rối loạn về tâm lý liên quan đến áp lực học tập, thi cử căng thẳng.

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên của bệnh viện cho biết, áp lực học tập là vấn đề mà bất kỳ học sinh nào đều phải đối mặt, đặc biệt là vào thời điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Áp lực học tập cũng có thể xuất phát do đặt nặng thành tích từ phía nhà trường hoặc gia đình. Ngoài ra, đôi khi chính do bản thân trẻ tự đặt áp lực vì không muốn bản thân thua kém bạn bè hoặc đặt ra những yêu cầu cao hơn so với khả năng của mình.

Các dấu hiệu nhận biết trẻ căng thẳng, áp lực học tập như: Mệt mỏi, mất ngủ, học kém tập trung, ăn uống kém. Nếu vấn đề này kéo dài có thể dẫn đến các rối loạn về tâm lý như lo âu, trầm cảm… hoặc các bệnh lý về thể chất như suy nhược cơ thể, sụt cân…

Cách cân bằng tâm lý khi bước vào kỳ thi

Để giảm áp lực cho trẻ trước mỗi kỳ thi, theo bác sĩ Ngô Anh Vinh, cha mẹ không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào con. Bởi vì điều này vô tình tạo áp lực lớn đối với trẻ. Thay vào đó, cha mẹ nên hiểu rõ về năng lực, sở trường của con để đặt ra mục tiêu phù hợp. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con để đưa ra những tư vấn cũng như định hướng đúng đắn, từ đó giúp trẻ giải tỏa được áp lực về học tập, thi cử.

giu-tam-ly-thoai-mai.jpg
Các thí sinh nên tạo tâm lý vui vẻ, thoái mái trước kỳ thi. Ảnh: Ngọc Minh

Không chỉ vậy, để giúp con có một sức khỏe tinh thần tốt, tự tin vượt qua kỳ thi, cha mẹ cũng cần bảo đảm cho con một chế độ dinh dưỡng đầy đủ.

PGS.TS Bùi Thị Nhung khuyến cáo, ở giai đoạn này, các sĩ tử cần nạp đầy đủ năng lượng, cụ thể cần ăn 3 bữa chính với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, gồm: Chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu, đỗ…); chất béo (dầu thực vật, mỡ động vật); tinh bột (ngô, khoai, sắn, ngũ cốc…); vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả). Ngoài ra, phụ huynh có thể cung cấp thêm các bữa phụ (ăn nhẹ) cho trẻ bằng các thực phẩm lành mạnh như trái cây, sữa, phô mai…

“Tuyệt đối không được bỏ bữa sáng, mà cơ thể cần được nạp đủ năng lượng để đầu óc minh mẫn, tập trung học tập. Đặc biệt, sau một ngày hoạt động, tất cả cơ quan trong cơ thể, kể cả não bộ cần được nghỉ ngơi. Tốt nhất là ăn, ngủ đúng giờ. Nếu bắt buộc phải thức khuya, thì không nên thức quá 12h đêm. Còn trong trường hợp có rất nhiều bài tập, nên lựa chọn giải pháp đi ngủ sớm, ngủ lúc 22h và dậy sớm hơn lúc 4-5h sáng để học bài”, PGS.TS Bùi Thị Nhung lưu ý.

Các chuyên gia cũng cho rằng, những ngày gần sát kỳ thi, các học sinh nên tạo tâm lý vui vẻ, thoải mái. Bởi vì nếu giữ tâm lý căng thẳng, tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ. Mặt khác, thí sinh không nên ôm đồm bài vở quá nhiều, chỉ nên học trọng tâm, nếu không trí nhớ sẽ rơi vào tình trạng quá tải.

Bên cạnh đó, nên thư giãn bằng cách chơi thể thao, đi bộ, chạy bộ hoặc chơi các môn thể thao đồng đội như đá bóng, bóng rổ… sẽ giúp giải tỏa căng thẳng, áp lực.

Khi vào phòng thi, trước khi đọc đề làm bài, mỗi học sinh nên dành khoảng 2 phút thư giãn bằng cách thả lỏng cơ thể, nhắm mắt, rồi hít thở thật sâu để giúp cân bằng tâm lý và tránh bị mất bình tĩnh.