Giá hàng hoá nguyên liệu thế giới giảm mạnh
Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa tuần giao dịch từ 17-6 đến 23-6, giá hàng hoá nguyên liệu thế giới đồng loạt sụt giảm.
Nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp chịu sức ép bán mạnh nhất đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,73% xuống 2.278 điểm, chạm mức thấp nhất trong vòng 2 tuần.
Kết thúc tuần, giá đậu tương giảm gần 3% về mức 411,53 USD/tấn, kéo dài đà giảm sang tuần thứ tư liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11-2020. Những tín hiệu tích cực xoay quanh triển vọng nguồn cung tại Brazil và Mỹ đã khiến phe bán áp đảo thị trường trong tuần vừa rồi.
Đáng chú ý, trong báo cáo Tiến độ mùa vụ (Crop Progress), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết tỷ lệ đậu tương đạt chất lượng tốt/tuyệt vời ở mức 70% diện tích, giảm nhẹ so với tuần trước nhưng vượt xa mức 54% cùng kỳ năm ngoái. Chất lượng đậu tương trong năm nay vẫn ở mức cao và sự sụt giảm hiện tại chưa có tác động quá nhiều đến tiềm năng năng suất cây trồng.
Theo Commodity Weather Group, mưa được dự báo sẽ xuất hiện tại miền Trung Mỹ, với lượng mưa lớn nhất tại tây bắc Midwest trong hai tuần tới. Điều này sẽ xoa dịu những khu vực đang phải chịu ảnh hưởng bởi hạn hán, gây áp lực lên thị trường.
Thị trường kim loại diễn biến phân hóa trong tuần qua. Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim đồng loạt tăng trở lại trong bối cảnh thị trường lạc quan hơn về kỳ vọng hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Giá bạch kim bật tăng mạnh gần 4% lên 996,4 USD/ounce. Giá bạc cũng tăng 0,48% lên 29,61 USD/ounce.
Đối với kim loại cơ bản, giá quặng sắt giảm mạnh nhất nhóm khi giảm 2,2% xuống 105,1 USD/tấn, đánh dấu tuần giảm giá thứ tư liên tiếp. Giá quặng sắt tiếp tục gặp sức ép khi thị trường ngày càng lo ngại về nhu cầu suy yếu tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ sắt thép lớn nhất thế giới. Dữ liệu đã chỉ ra tồn kho quặng sắt tại các cảng lớn của Trung Quốc đã tăng vượt 147 triệu tấn, là mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm trở lại đây.
Giá đồng COMEX cũng quay đầu giảm 1,18% xuống 9.792,92 USD/tấn. Giá đồng gặp áp lực trở lại khi thị trường xuất hiện một vài tín hiệu tích cực hơn về nguồn cung, giúp xoa dịu phần nào nỗi lo thiếu hụt đồng.