Nghị quyết và Cuộc sống

Đảng bộ quận Hoàn Kiếm đổi mới công tác dân vận

Hương Ly 24/06/2024 - 08:05

Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TƯ ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Đảng bộ quận Hoàn Kiếm đã đổi mới, sáng tạo trong công tác dân vận, góp phần giải quyết những việc nóng, việc khó.

3-1-.jpg
Nhờ làm tốt công tác dân vận, các hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ, bàn giao mặt bằng để triển khai dự án Chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật phố Chương Dương Độ (đoạn từ nút giao phố Bạch Đằng đến bờ ven sông Hồng giai đoạn 2).

Dân vận khéo, tạo sự đồng thuận cao

Mặc dù quận Hoàn Kiếm không có nhiều dự án lớn so với các quận, huyện khác của Hà Nội, song quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ các dự án đầu tư công trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do người dân không muốn thay đổi môi trường sống được cho là thuận tiện, dễ dàng mưu sinh ở khu vực trung tâm.

Xác định công tác giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ khó, Ban Thường vụ Quận ủy Hoàn Kiếm đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/QU ngày 1-11-2021 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 25-NQ/TƯ, Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 1-10-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Khánh cho biết, xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong triển khai các nhiệm vụ chính trị của quận, Ban Thường vụ Quận ủy đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Trung ương, thành phố và quận Hoàn Kiếm về đổi mới công tác dân vận, gắn với việc triển khai các nhiệm vụ khó, nhất là trong triển khai công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án lớn trên địa bàn.

Với phương châm gần dân, sẵn sàng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, Ban Thường vụ Quận ủy Hoàn Kiếm đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền nơi triển khai các dự án đầu tư công tích cực vào cuộc vận động gia đình cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên có đất bị thu hồi nêu cao tinh thần gương mẫu, chấp hành bàn giao mặt bằng để nhân dân noi theo. Cùng với đó, Ban Thường vụ Quận ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu các quy định của pháp luật, bảo đảm thực hiện đúng chế độ chính sách, giải quyết hài hòa lợi ích cho người dân. Nhờ vậy, nhiều dự án tồn đọng, kéo dài hàng chục năm trước do chưa đạt được đồng thuận của nhân dân đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, triển khai thủ tục và tiến hành xây dựng các công trình phục vụ lợi ích của cộng đồng.

Điển hình như công tác vận động tuyên truyền trong triển khai dự án trùng tu, tôn tạo trụ sở Tòa án nhân dân Tối cao ở số 48-48A phố Lý Thường Kiệt (giai đoạn 2). Tại dự án này, 30/38 hộ dân đã đồng thuận nhận tiền bồi thường hỗ trợ, chỉ còn 8 hộ dân không đồng thuận. Để bảo đảm mặt bằng phục vụ dự án, đồng thời giải quyết hài hòa lợi ích của người dân, song hành với việc kiến nghị thành phố cho phép áp dụng phương án đền bù có lợi nhất cho các hộ dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền quận Hoàn Kiếm đã tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục, giải thích... Kết quả, quá trình giải phóng mặt bằng đã được tiến hành theo đúng quy trình, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Hay tại dự án Chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật phố Chương Dương Độ (đoạn từ nút giao phố Bạch Đằng đến bờ ven sông Hồng giai đoạn 2), có 38 hộ dân nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Theo đó, có 27/38 hộ dân đã thống nhất nhận tiền bồi thường. 11 hộ dân còn lại, trong đó có 9 trường hợp giao đất trái thẩm quyền, được bồi thường về đất, chính quyền phải ban hành quyết định cưỡng chế. Nhờ kiên trì tuyên truyền, vận động, đối thoại, lắng nghe nguyện vọng của các hộ dân, các cấp ủy, chính quyền quận Hoàn Kiếm đã tạo dựng được sự tin tưởng của người dân vào các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Trước ngày cưỡng chế thu hồi đất (ngày 19-7-2023), toàn bộ các hộ dân đã thống nhất di chuyển, bàn giao mặt bằng.

Mới đây, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng của quận tiếp tục vận dụng, phát huy vai trò, thế mạnh của công tác dân vận để hoàn thành giải phóng mặt bằng tại dự án Trụ sở Bộ Công an (số 44 phố Yết Kiêu); dự án xây dựng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (số 43F - 47C đường Ngô Quyền và 36A đường Trần Hưng Đạo). Trong đó, dự án xây dựng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu là dự án tồn đọng, kéo dài hơn 30 năm, với nhiều lần thay đổi chủ trương đầu tư, làm phát sinh tâm lý hoài nghi trong nhân dân về mục tiêu đầu tư.

Chia sẻ về quá trình giải phóng mặt bằng phục vụ dự án, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng cho biết, cùng với việc kiên trì vận động, thuyết phục; tổ chức nhiều buổi đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, quận Hoàn Kiếm đã báo cáo thành phố, đề xuất các chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư có tính chất tương đồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm với các dự án trọng điểm của thành phố và đã được UBND thành phố chấp thuận. Nhờ vậy, số tiền hỗ trợ, bồi thường mà các hộ dân nhận được tăng nhiều lần so với phương án ban đầu, góp phần giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau khi bàn giao mặt bằng.

Giải quyết kiến nghị chính đáng của người dân

Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Khánh, thực tế, để đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân, công tác tuyên truyền, vận động phải được coi trọng và phải đi trước một bước, trước khi triển khai dự án. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cấp ủy, chính quyền với các ban, ngành, tổ chức liên quan, vai trò của chính quyền các cấp đặc biệt quan trọng. Bởi đây là cấp có thẩm quyền trực tiếp giải quyết cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng cho biết thêm, cùng với việc kiên trì thuyết phục, vận động, các thành viên Tổ công tác giải phóng mặt bằng phải nắm chắc các quy định của pháp luật, sẵn sàng lắng nghe mọi kiến nghị chính đáng của người dân để từ đó phối hợp với chính quyền địa phương đề xuất hướng giải quyết kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người dân. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định trong quá trình triển khai các dự án lớn trên địa bàn quận.

Đánh giá phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn quận Hoàn Kiếm từ năm 2023 đến nay, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định ghi nhận, đánh giá cao mô hình “Dân vận khéo” trong giải phóng mặt bằng. Đồng chí cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quận Hoàn Kiếm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; duy trì, nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, bồi đắp văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ.

Cùng với việc triển khai công tác dân vận theo hướng gần dân, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quan tâm, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân… góp phần tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong việc triển khai các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Hơn 10 năm qua, quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để triển khai nhiều dự án đầu tư công quan trọng. Trong công tác giải phóng mặt bằng tu bổ, tôn tạo các di tích, điển hình có các dự án giải phóng mặt bằng đình Kim Ngân; đình Nam Hương; đền Bà Kiệu; đình, đền, chùa Vũ Thạch; đền Bạch Mã, đình Thanh Hà…

Trong công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đường phố trên địa bàn quận, điển hình có các dự án giải phóng mặt bằng ga ngầm S12; dự án trùng tu, tôn tạo trụ sở Tòa án nhân dân Tối cao số 48-48A Lý Thường Kiệt; giải phóng mặt bằng tại số 46 Hàng Cót để xây dựng Trung tâm Văn hóa đa năng quận Hoàn Kiếm; giải phóng mặt bằng tại khu nhà gỗ số 9 phường Chương Dương…

Trong đó, một số dự án là minh chứng rõ nét của việc vận dụng công tác dân vận vào nhiệm vụ giải phóng mặt bằng tại quận Hoàn Kiếm. Nhiều cá nhân, tập thể đã vinh dự được nhận Bằng khen, Giấy khen của Trung ương và quận Hoàn Kiếm.