Đời sống

Bài tham dự cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào" Giọt máu cho đi, tình người tỏa sáng

Nguyễn Văn Học 24/06/2024 6:22

Những năm qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực tuyên truyền, vận động phong trào hiến máu tình nguyện. Đặc biệt, nhiều tấm gương đã trở thành những hạt nhân, vừa hiến máu, vừa vận động, lan tỏa phong trào, để thêm nhiều người cùng làm việc hữu ích.

Khi vợ chồng cùng gieo nụ cười

​Trong cuộc sống, có nhiều đôi vợ chồng không chỉ tâm đầu ý hợp, mà còn chung tay trong chuyện thiện nguyện, lan tỏa lòng nhân ái. Vợ chồng Đại úy Nguyễn Văn Nguyên (công tác tại Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị, Học viện An ninh nhân dân) và Đại úy Bùi Hoàng Ly Ly (công tác tại Học viện Cảnh sát nhân dân) là hai người thật đặc biệt. Đến nay, cả hai người đã hiến máu tổng cộng 131 lần.

Gia đình Đại úy Nguyễn Văn Nguyên và Đại úy Bùi Hoàng Ly lan tỏa nghĩa cử cao đẹp. Ảnh: Văn Học
Gia đình Đại úy Nguyễn Văn Nguyên và Đại úy Bùi Hoàng Ly Ly lan tỏa nghĩa cử cao đẹp. Ảnh: Văn Học

​Suốt những năm qua, hai vợ chồng Nguyên - Ly cùng trở thành gương mặt quen thuộc tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong những lần hiến máu cấp cứu, hay trên những nẻo đường thiện nguyện. Đến nay, Nguyên đã hiến 94 lần, còn vợ anh hiến 37 lần. Năm 2021, do năm đó đại dịch Covid-19 hoành hành, nhiều bệnh viện khó khăn, nên cứ đến hạn cho phép là anh lập tức lên đường. Năm đó Nguyên đã hiến tiểu cầu 10 lần.

Chị Ly chia sẻ: “Hai năm chống dịch Covid-19 là khoảng thời gian chúng tôi liên tiếp phải xử lý và tham gia hiến máu cấp cứu cho nhiều trường hợp. Hai vợ chồng tôi tham gia hiến máu tình nguyện thường xuyên và luôn duy trì ngân hàng máu sống ở cả hai cơ quan, nơi chúng tôi làm việc”.

Qua tìm hiểu, Ly Ly nhiều lần dẫn hàng trăm sinh viên Học viện Cảnh sát hiến máu ở các chương trình trong nhiều năm. Chị còn nhận được bằng khen của Bộ Y tế, Giấy khen của Bộ Công an vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu, làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều lần tổ chức cho đoàn viên tham gia các chương trình thiện nguyện, giúp người.

Chị Ly Ly tâm sự: “Ở xã hội ta, cứ một một việc tốt, thêm một tấm lòng thì sẽ thêm nụ cười, hạnh phúc trong cuộc sống”.

Khi hiến máu nhân đạo, vợ chồng anh Phạm Văn Tuất và chị Nguyễn Thị Hương mong muốn lan tỏa lòng tốt cho các con của mình. Ảnh: Văn Học
Khi hiến máu nhân đạo, vợ chồng anh Phạm Văn Tuất và chị Nguyễn Thị Hương mong muốn lan tỏa lòng tốt cho các con của mình. Ảnh: Văn Học

​Ở Huyện Hoài Đức, cặp vợ chồng anh Phạm Văn Tuất và chị Nguyễn Thị Hương cũng nổi tiếng vì thường xuyên tham gia hiến máu tình nguyện. Được biết, hai người con của anh chị đều bị tan máu bẩm sinh nhưng may mắn chỉ ở mức độ nhẹ. Từ lúc đưa con đi khám, chị Hương được nghe về hiến máu và sự quan trọng của những đơn vị máu đối với người bệnh. Chính điều đó đã dấy lên trong lòng anh chị suy nghĩ phải hiến máu để cứu chữa cho nhiều người và lan tỏa chuyện hiến máu trong cộng đồng.

​Ai gặp ông Lê Đình Duật, 81 tuổi, ở tổ dân phố số 10, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân cũng nhận thấy ông là người có tâm và làm việc rất khoa học. Suốt 25 năm qua, cựu chiến binh Lê Đình Duật, đã kiên trì vận động người dân tham gia hiến máu. Năm 1999, khi có phong trào hiến máu nhân đạo ở địa phương, ông Duật đã đăng ký tham gia. Do huyết áp thấp nên việc hiến máu của ông bị từ chối. Sau đó, ông và vợ nghĩ mình phải làm gì đó, thế rồi ông đi vận động gia đình và mọi người tham gia việc làm cao đẹp này.

Thời gian đầu, việc tuyên truyền của ông gặp không ít khó khăn do mọi người chưa hiểu được ý nghĩa của việc hiến máu. Ông lập danh sách chi tiết những người đã hiến máu với những thông tin đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, ngày hiến máu, nhóm máu, số lần hiến máu. Ông thường báo trước lịch hiến máu khoảng 1 tuần để từng cá nhân có sự chuẩn bị thật tốt về sức khỏe, bảo đảm chất lượng máu. Trong đó, người nhiều nhất đã có 113 lần hiến máu. Nhiều bạn trẻ theo sự vận động của ông đã gắn bó với các hoạt động hiến máu từ lúc sinh viên đến khi ra trường đi làm.

Trong 25 năm qua, ông đã vận động được hơn 1.380 lượt người tham gia hiến máu, 1.281 đơn vị máu được cho đi, tương đương 420 lít máu và cứu chữa cho gần 4.000 bệnh nhân. Điều đáng nói, ông đã gương mẫu vận động người thân trong gia đình tham gia. Cụ thể, bà Dinh vợ ông đã 13 lần hiến máu, con gái cả Lê Thanh Hà hiến 15 lần, con gái thứ hai Lê Thanh Nam hiến 112 lần, con trai út Lê Quyết Thắng hiến 95 lần và cháu ngoại Đào Ngọc Linh hiến máu 4 lần. Tổng cộng đại gia đình ông đã hiến máu khoảng 250 lần.

Vợ chồng ông Lê Đình Duật trong một lần được tôn vinh về những cống hiến của mình (Ảnh gia đình cung cấp)
Vợ chồng ông Lê Đình Duật trong một lần được tôn vinh về những cống hiến của mình (Ảnh gia đình cung cấp)

Nhận thức thay đổi, ngày càng nhiều người muốn làm việc tốt

​Những năm qua, các phong trào hiến máu do các cơ quan như Sở Y tế Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội… tổ chức bài bản, thiết thực, qua đó đã tạo được ngân hàng máu, cứu chữa cho nhiều bệnh nhân, hồi sinh sự sống.

Ông Đào Ngọc Triệu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội, phong trào toàn dân tham gia hiến máu phát triển trên địa bàn Thủ đô, góp phần hình thành, nuôi dưỡng những tấm gương người tốt, gia đình, dòng họ, cộng đồng nhân ái. Lật ngược thời gian, vào trước năm 2000 ở Hà Nội, số lượng đơn vị máu tiếp nhận vô cùng khiêm tốn, nguồn máu chủ yếu tới từ những người đi hiến để nhận bồi dưỡng. Cho đến nay, trên địa bàn thành phố có hàng trăm nghìn người tham gia, nhiều tấm gương điển hình với số lần hiến máu lên đến 20-30 lần. Chỉ tính riêng năm 2023, toàn thành phố tiếp nhận 270 nghìn đơn vị máu, ước tính đạt trên 2,6% dân số tham gia hiến máu.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho biết, phong trào hiến máu tình nguyện đã cung cấp nguồn máu an toàn, chất lượng. Nhờ những tấm lòng, với những giọt máu được trao đi, hàng triệu lượt bệnh nhân có cơ hội phục hồi sức khỏe, nối dài sự sống. Mừng hơn, ngành Y tế có điều kiện áp dụng những kỹ thuật mới, hiện đại như ghép tạng, ghép tế bào gốc cho người bệnh.

img_0051.jpeg
Ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia hiến máu nhân đạo để giúp đỡ người khác. Ảnh: Văn Học

Đồng quan điểm, Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia cho biết thêm: Phải khẳng định lượng máu hiện nay có được phần lớn tới từ hoạt động hiến tình nguyện. Thật mừng là nhận thức của người dân về việc đi hiến máu đã có sự chuyển biến vô cùng lớn theo hướng tích cực, điều này giúp các bác sĩ yên tâm hơn trong công tác điều trị. Mừng hơn, ngành Y tế có điều kiện áp dụng những kỹ thuật mới, hiện đại như ghép tạng, ghép tế bào gốc cho người bệnh.

Anh Nguyễn Văn Thanh (sinh năm 1996), đoàn viên xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh), người đã có 124 lần hiến máu và tiểu cầu. Năm 2023, anh là một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu được vinh danh. Những lần đến bệnh viện hiến máu, anh đã gặp rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, tình thương càng thôi thúc anh không ngừng giúp đỡ mọi người.

Thanh chia sẻ: “Vì thế, em muốn được giúp đỡ người bệnh, muốn lan tỏa việc hiến máu tình nguyện ra cộng đồng và tham gia các hoạt động tình nguyện. Còn sức khỏe thì em sẽ tiếp tục tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu. Em cũng muốn cộng đồng sẽ ngày càng nhiều người chung tay làm việc tốt”.

logo-dien-tu-moi-02.jpg