Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) kiên định mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn tới, đặc biệt chú trọng vào những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy, tăng tốc triển khai hiệu quả các dự án đầu tư, tài chính đồng bộ với chiến lược phát triển thành tập đoàn công nghiệp năng lượng gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đổi mới, chuyên nghiệp trong quản trị đầu tư
Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho rằng, đối với doanh nghiệp, đầu tư tài chính không chỉ ảnh hưởng đến việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn liên quan đến chiến lược phát triển. Trong những năm qua, mặc dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức, Petrovietnam với vai trò là tập đoàn trụ cột trong nền kinh tế, đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, bảo đảm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng.
Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 76-KL/TƯ ngày 24-4-2024 về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TƯ ngày 23-7-2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Một số định hướng đã được Tập đoàn triển khai trong giai đoạn mới, trong đó xác định rõ vai trò của Petrovietnam là tập đoàn công nghiệp năng lượng giữ vị trí trụ cột của nền kinh tế.
Báo cáo về kết quả đầu tư tài chính giai đoạn từ năm 2021 đến nay cho thấy, quản trị đầu tư của Petrovietnam có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật, tập trung triển khai quản trị danh mục đầu tư giúp sớm nhận diện các cơ hội, rủi ro, có các giải pháp kịp thời để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, tối đa hóa lợi ích.
Petrovietnam hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành 36 dự án/công trình, cơ bản giải quyết các vướng mắc tồn đọng kéo dài từ giai đoạn trước. Trong đó đã hoàn thành đầu tư, đưa Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đi vào vận hành; hoàn thành đầu tư dự án Kho cảng LNG 1 triệu tấn Thị Vải. Đặc biệt, sau thời gian dài chuẩn bị, gặp rất nhiều khó khăn tưởng chừng khó có thể vượt qua, chuỗi dự án Lô B đã hoàn thành một số công việc quan trọng, đạt được quyết định đầu tư cuối cùng (FID) của các bên đối tác và triển khai đấu thầu, ký kết các hợp đồng EPC.
Việc đầu tư cũng được cải thiện cả về giá trị và tỷ lệ thực hiện, năm sau tăng trưởng so với năm trước. Nguồn vốn được bảo đảm đầy đủ cho hoạt động đầu tư, giúp tạo tài sản mới và đóng góp vào tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của Tập đoàn. Bình quân giai đoạn 2021-2023, doanh thu hợp nhất tăng 44% so với giai đoạn 2018-2020.
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm
Những năm qua, việc hoàn thiện hệ thống quy chế quản trị nội bộ cũng được Tập đoàn coi trọng và cập nhật thường xuyên, phù hợp với yêu cầu thực tế và quy định pháp luật mới ban hành. Cùng với đó, Tập đoàn nỗ lực vượt khó khăn thách thức trong giai đoạn 2021-2023, nhiều dự án công trình được đầu tư và đưa vào vận hành, khai thác.
Ngoài ra, vốn đầu tư được bảo đảm đã giúp tạo tài sản mới và đóng góp vào tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của Tập đoàn. Chỉ số sinh lời ROA, ROE tăng trưởng tốt, tương ứng đạt 4,84% và 9,04%, vượt tương ứng 1,38% và 2,83% so với giai đoạn 2018-2020.
Nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho hay, Tập đoàn đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, bổ sung chính sách thúc đẩy đầu tư, giải quyết các vấn đề vướng mắc, tránh chồng chéo. Petrovietnam quyết tâm hoàn thành cao nhất tỷ lệ đầu tư trong năm 2024 để từ đó phấn đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư của cả giai đoạn.
Để khắc phục những hạn chế, phát huy được lợi thế trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Tập đoàn tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục triển khai quản trị danh mục đầu tư hiệu quả, đi vào thực chất, nhằm thực hiện có kết quả Nghị quyết số 41-NQ/TƯ, Kết luận số 76-KL/TƯ và các mục tiêu chiến lược của Tập đoàn; tổ chức các khóa đào tạo, trang bị và nâng cao kiến thức gắn liền với công việc chuyên môn cho cán bộ làm công tác đầu tư; tập trung hoàn thiện các quy định, quy chế quản lý nội bộ trong công tác đầu tư của Tập đoàn, các quy định pháp luật; thúc đẩy các cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư.
Tập đoàn cũng thường xuyên cập nhật những biến động của nền kinh tế, mô hình đầu tư tài chính của các dự án để có giải pháp đối phó kịp thời nhằm giảm thiểu rủi ro, bảo đảm tiến độ của dự án, trong đó đặc biệt chú trọng đến các dự án, chuỗi dự án có tác động lớn đến hoạt động đầu tư như chuỗi dự án Lô B, chuỗi dự án LNG Thị Vải, chuỗi dự án khí Cá voi xanh, dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1...
Cùng với đó, Tập đoàn xây dựng phương án tài chính với các nguồn vay đa dạng, tối ưu hóa cơ cấu nguồn vốn huy động, tối đa hóa khối lượng vốn vay tín dụng xuất khẩu (ECA) với lãi suất thấp, thời hạn vay dài, kết hợp với vay thương mại trong và ngoài nước.
Cuối cùng, Petrovietnam tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP, bảo đảm mục tiêu dữ liệu của hệ thống "đúng, đủ, sống, sạch", đáp ứng được yêu cầu thông tin phục vụ công tác quản trị.