Coi thi chặt chẽ để ngăn ngừa gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
Với quy mô thí sinh lớn nhất trong các địa phương, kết quả kỳ thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để các cơ sở giáo dục đại học căn cứ tuyển sinh, nên khâu coi thi được Hà Nội đặc biệt coi trọng để bảo đảm công bằng, thực chất.
Ngày 22-6, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị hướng dẫn coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 với sự tham gia của 196 trưởng điểm thi, 196 phó trưởng điểm thi và các đơn vị liên quan.
Rà soát kỹ các điều kiện bảo đảm an toàn
Ngày 27 và 28-6, cùng với cả nước, trên địa bàn Hà Nội diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Toàn thành phố có gần 109.000 thí sinh đăng ký dự thi; bố trí 196 điểm thi với 4.532 phòng thi. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội điều động gần 18.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia coi thi, chấm thi. Nét mới năm nay là ngoài giáo viên các trường công lập, Hà Nội còn huy động giáo viên các trường tư thục, hiệp quản, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tham gia coi thi. Vì vậy, việc phổ biến, hướng dẫn nghiệp vụ coi thi và những quy định có liên quan được quan tâm, bảo đảm 100% thành viên tham gia làm nhiệm vụ đều nắm vững quy chế.
Ngoài hướng dẫn cụ thể về quy trình coi thi, bà Nguyễn Thị Thúy Bạch, Phó Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lưu ý, các điểm thi đặc biệt quan tâm việc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm an toàn, đúng quy định. Theo đó, mỗi phòng thi phải bố trí chỗ ngồi cho 24 thí sinh, khoảng cách tối thiểu giữa hai thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2m theo hàng ngang.
Điểm khác của kỳ thi này so với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là ngoài phòng thi chính thức, có thêm 2 loại phòng thi dự phòng, dành cho những điểm thi có thí sinh không dự thi đủ các môn thi trong bài thi tổ hợp (bài thi tổ hợp có ba môn thi). Loại thứ nhất là phòng chờ vào, dành cho thí sinh chỉ thi môn thứ hai hoặc môn thứ ba; thi môn thứ hai và môn thứ ba của bài thi tổ hợp. Loại thứ hai là phòng chờ ra, dành cho thí sinh chỉ thi môn thứ nhất, môn thứ hai hoặc thi môn thứ nhất và môn thứ hai của bài thi dự phòng. Sở yêu cầu các điểm thi lưu ý nội dung này trong quá trình chuẩn bị, đồng thời rà soát kỹ các điều kiện bảo đảm an toàn cho kỳ thi.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị lãnh đạo các điểm thi chủ động làm việc với ban chỉ đạo thi cấp huyện và chính quyền địa phương về tăng cường công tác phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi; phân luồng giao thông, giải tỏa các điểm ùn tắc. Các điểm thi cũng cần có phương án bảo vệ các phòng thi sát nhà dân; phương án phòng, chống cháy nổ, mưa lũ, mất điện; phương án ứng trực cấp cứu bảo đảm sức khỏe cho thí sinh…
Tăng cường phòng, chống gian lận
Với kỳ thi có quy mô lớn, kết quả kỳ thi có ý nghĩa quan trọng khi vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa được nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng để tuyển sinh, vấn đề phòng, chống các hành vi gian lận được ngành Giáo dục và Đào tạo coi trọng.
Vì thế, ngoài nội dung hướng dẫn nghiệp vụ coi thi, hội nghị dành phần lớn thời gian hướng dẫn cách nhận diện, phát hiện và phòng ngừa các hành vi gian lận có thể xảy ra.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của kỳ thi, đặc biệt đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006, Thượng tá Ngô Xuân Hải, Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an thành phố Hà Nội) đề nghị, các cán bộ, giáo viên làm việc tại các điểm thi không chủ quan, lơ là. Cán bộ coi thi cần thông tin đề thi là tài liệu bí mật nhà nước cấp độ “tối mật”, nếu thí sinh cố tình sao chụp, phát tán sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Công an thành phố đề nghị, các điểm thi khi phát hiện thí sinh sử dụng thiết bị để chụp đề thi, cần lập biên bản và thông tin ngay cho lực lượng công an để kịp thời truy xét, ngăn chặn việc phát tán ra bên ngoài.
Một số phương pháp phát hiện việc sử dụng phương tiện kỹ thuật để gian lận cũng được Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ (Công an thành phố Hà Nội) triển khai.
Theo Thượng tá Hà Thị Hằng, cùng với việc phổ biến, nhắc nhở thường xuyên thì việc quan sát, nhận biết thái độ, hành vi bất thường của thí sinh trong quá trình làm bài cũng cần được chú trọng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn gian lận...
Ghi nhận công tác chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc của các đơn vị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT thành phố lưu ý, các đơn vị tiếp tục rà soát kỹ điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống điện, nước, điều hòa, quạt mát tại các phòng thi, dự báo những tình huống có thể phát sinh để chủ động ứng phó.
Ông Trần Thế Cương lưu ý, các điểm thi ghi nhớ yêu cầu “3 chủ động, 4 đúng, 3 không” khi làm nhiệm vụ. Trong đó, 3 chủ động là: Chủ động làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền; chủ động chuẩn bị các điều kiện phục vụ thi; chủ động thông tin báo cáo và xử lý thông tin. 4 đúng là: Đúng quy chế, hướng dẫn; đúng, đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ; đúng thời điểm, kịp thời xử lý tình huống bất thường. 3 không là: Không chủ quan, lơ là; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không gây căng thẳng quá mức.
“Hà Nội có số thí sinh tự do rất lớn, các điểm thi cần nhắc nhở thí sinh, không để xảy ra gian lận, đặc biệt là mang điện thoại vào phòng thi. Các điểm thi cần chủ động giải pháp ứng phó với tình huống bất thường, bảo đảm thuận lợi nhất cho thí sinh. Các trường phổ thông có học sinh dự thi cũng cần quan tâm, phối hợp với gia đình trong việc chăm sóc sức khỏe, không nên tạo căng thẳng cho thí sinh, đồng thời tính toán khoảng cách di chuyển từ nhà đến điểm thi để thí sinh không đi thi muộn”, ông Trần Thế Cương nhắn nhủ.