Cần cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để Hà Nội bứt phá vươn lên
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ bảy mới đây, đại biểu Lê Hoàng Hải (Đoàn Đồng Nai) mong muốn Hà Nội có cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để bứt phá vươn lên.
Theo đại biểu Lê Hoàng Hải, Thủ đô Hà Nội không chỉ phát triển xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước mà còn vươn lên tầm khu vực, thế giới. Bày tỏ sự nhất trí với các ý kiến góp ý về cơ chế, chính sách cho giáo dục, khoa học và công nghệ, đại biểu quan tâm đến vấn đề mô hình tổ chức chính quyền và biện pháp bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Đại biểu cũng tán thành với quy định về tổ chức mô hình chính quyền tại thành phố Hà Nội như quy định tại Điều 8 của dự thảo Luật. Mô hình này đã phát triển các quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 97 năm 2019 Quốc hội khóa XIV về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và đã có thực tiễn thi hành trên địa bàn.
Theo đó, việc không tổ chức HĐND phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội sẽ góp phần giúp tổ chức chính quyền cấp xã, phường tinh gọn và năng động hơn. Tuy nhiên, mô hình này đang khác với mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.
Tại kỳ họp thứ sáu diễn ra tháng 10-2023, Quốc hội đã cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ về ưu, nhược của các mô hình chưa thực sự rõ ràng. Đồng thời, chưa cho thấy sự khác biệt về tổ chức dẫn đến khác biệt về cách thức quản lý, vận hành các hoạt động của chính quyền đô thị, các cơ chế, chính sách được áp dụng.
“Do đó, tôi đề nghị cần nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc xây dựng Luật Chính quyền đô thị riêng để tạo cơ sở áp dụng đồng bộ, ổn định, thống nhất các nội dung về chính quyền đô thị”, đại biểu kiến nghị.
Về biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội liên quan đến việc áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại Điều 33 của dự thảo Luật, đại biểu bày tỏ sự tán thành với quy định tại khoản 2 điều này. Trong đó cho phép trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Quy định tại dự thảo Luật không coi biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mà xác định đây là biện pháp hành chính do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nhằm bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Hà Nội. Cách tiếp cận như vậy là phù hợp, bởi sẽ không làm phát sinh các trình tự, thủ tục hành chính phức tạp và cũng giúp nâng cao khả năng để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong trường hợp khẩn cấp.
Vừa qua thành phố Hà Nội cũng đã xảy ra một số vụ việc thương tâm liên quan đến các công trình nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh bị cháy gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Vì vậy, nếu không đẩy mạnh và chú trọng giải quyết mạnh mẽ các sai phạm thì khó có thể kiểm soát được thiệt hại sẽ xảy ra.
Theo đại biểu, việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước chưa phải là biện pháp mạnh mẽ và triệt để nhất. Nhưng với các yêu cầu rất cao về trật tự, an toàn xã hội tại Thủ đô, đại biểu cho rằng, đây là biện pháp cần thiết và ưu tiên áp dụng quy định của dự thảo Luật về nội dung này.
Dự thảo Luật cũng đã quy định rõ nguyên tắc xác định về thẩm quyền áp dụng để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, tránh lạm dụng. Đồng thời yêu cầu thể hiện việc áp dụng biện pháp này trong hợp đồng sử dụng dịch vụ điện, nước mà các bên ký kết để tăng tính khả thi trong quá trình thực hiện. Đây được xem như là bước dự phòng ban đầu, thể hiện sự cam kết và trách nhiệm của các bên trong việc bảo đảm an toàn, trật tự trên địa bàn thành phố.