Hà Nội khảo sát tuyến du lịch sông Hồng
Nhằm đẩy mạnh việc khai thác, hình thành tour tuyến, nâng cao chất lượng điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch gắn với các giá trị văn hóa, lịch sử để hoàn thiện tuyến du lịch sông Hồng, ngày 21-6, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức chương trình khảo sát một số tuyến điểm du lịch dọc sông Hồng.
Chương trình có sự tham gia của đại diện Sở Du lịch Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Tổng công ty Du lịch Hà Nội, Viện Nghiên cứu văn hóa và Phát triển cộng đồng, Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển du lịch sông Hồng (Công ty cổ phần Thăng Long GTC) cùng một số đơn vị lữ hành.
Tuyến du lịch sông Hồng do Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển du lịch sông Hồng khai thác từ nhiều năm qua, hiện có 6 tuyến tham quan chính với nhiều trải nghiệm hấp dẫn, như “Những nhịp cầu hạnh phúc”, “Ấn tượng sông Hồng” và 4 chương trình “Trên dòng sông Phật pháp” với hành trình thăm các đình, đền, chùa từ huyện Gia Lâm, Thường Tín (Hà Nội) đến huyện Khoái Châu (Hưng Yên), Duy Tiên (Hà Nam); thị xã Từ Sơn và huyện Thuận Thành (Bắc Ninh)...
Trong đó, tuyến “Ấn tượng sông Hồng” thăm đền Đại Lộ, đền Dầm (huyện Thường Tín, Hà Nội), đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã được hình thành cách đây hơn 20 năm.
Thời gian qua, Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển du lịch sông Hồng đã nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ bằng việc đưa tàu Thăng Long Victory chất lượng cao vào phục vụ khách (từ tháng 10-2023). Đi kèm với đó là trải nghiệm thưởng thức ẩm thực địa phương, chương trình âm nhạc phục vụ khách... Ngoài ra, chất lượng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại các điểm đến cũng đã được các địa phương đầu tư, cải thiện nhằm bảo đảm an toàn và tăng sức hấp dẫn đối với du khách.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay là hệ thống bến cảng, bến tàu thủy nội địa ở Hà Nội thiếu trầm trọng và không bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật khiến tàu du lịch khó cập bến, đặc biệt là vào mùa nước cạn (từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau). Sự chồng chéo trong các chính sách, quy định về cấp phép, quản lý bến tàu thủy nội địa và phương tiện đường thủy cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư không dám vận hành, khai thác sản phẩm du lịch đường sông tại Hà Nội.
Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bến bãi và cảnh quan hai bên sông; sản phẩm du lịch cũng như công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm còn nghèo nàn, đơn điệu; thiếu hướng dẫn viên có trình độ ngoại ngữ tốt; thiếu tính liên kết, hoạt động tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm tại các làng nghề, làng cổ ở các địa phương trên dọc tuyến sông còn hạn chế... là những nguyên nhân khiến tuyến du lịch sông Hồng chưa thu hút được du khách trong nước và quốc tế.
Sau chương trình khảo sát, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các sở, ngành, các chuyên gia để xây dựng kế hoạch cụ thể. Từ đó, tham mưu, đề xuất với UBND thành phố về việc khai thác, phát triển tuyến du lịch sông Hồng theo quy định. Trong đó, ưu tiên đầu tư, xây dựng và quản lý bến tàu thủy nội địa; cải tạo cảnh quan môi trường; bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách gia tăng trải nghiệm cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ và đội ngũ phục vụ tàu, đội ngũ hướng dẫn viên, lắp đặt hệ thống audio guide (thuyết minh tự động) và hệ thống màn hình chiếu trên tàu để tăng cường thông tin về các điểm đến cho du khách...