Tài chính

Tăng trưởng tín dụng: Có phải đầu năm trì trệ, cuối năm bứt tốc?

TS. Phan Văn Thường - Đại học Quốc tế Hồng Bàng 21/06/2024 15:57

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 5-2024, tăng trưởng tín dụng của hệ thống chỉ đạt 2,41% so với cuối năm 2023, nhưng 14 ngày sau (ngày 14-6), con số này là 3,79%, tăng thêm 1,38%.

Nguyên nhân tín dụng tăng trưởng thấp các tháng đầu năm 2024, ngoài yếu tố có tính mùa vụ thì còn các yếu tố như sức hấp thụ vốn của nền kinh tế khó khăn, đầu tư, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân giảm, trong khi đó nhiều khách hàng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn.

tindung.jpg
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank). Ảnh: Nguyễn Quang

Phải chăng tăng trưởng tín dụng có tính mùa vụ?

Câu hỏi này đặt ra cho lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công thì có lẽ phù hợp hơn. Còn lĩnh vực tín dụng không hoàn toàn như vậy.

Thực tế không có chuyện các ngân hàng trì trệ tăng trưởng tín dụng vào các tháng đầu năm. Dòng tiền gửi vào ngân hàng là không ngưng nghỉ, ngân hàng phải chi trả lãi tiền gửi và phát sinh chi phí liên quan về huy động vốn, vậy ngân hàng trì trệ cho vay để vốn ứ đọng, tức là tự đưa thòng lọng vào “cổ”.

Khảo sát số liệu tăng trưởng tín dụng cùng kỳ 5 tháng đầu năm từ 2022 đến 2024 cho thấy, con số lần lượt là 8,04%, 3,17% và 2,41%. Mức tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm 2022 gấp 2,53 lần cùng kỳ năm 2023 và gấp 3,33 lần cùng kỳ năm 2024.

Như vậy, nếu nhận xét chung có tính mùa vụ trong tăng trưởng tín dụng là chưa thật thuyết phục. Nhưng nếu so sánh trong 3 năm qua thì mức tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm 2024 là có vấn đề. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt chỉ tiêu thấp trong các tháng đầu năm tất yếu phải phấn đấu bù vào các tháng cuối năm. Thực tế, nhiều TCTD phải bứt tốc tăng trưởng tín dụng vào một vài tháng cuối năm.

Việc các TCTD phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa không đơn giản là để hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh trong năm, mà có nhiều mục đích rất ý nghĩa khác.

Thứ nhất, tăng thêm dư nợ ròng, cũng đồng nghĩa TCTD đó giảm được tỷ lệ nợ xấu, báo cáo tài chính sẽ đẹp hơn.

Thứ hai, mức tăng trưởng tín dụng kết năm của mỗi TCTD là cơ sở để NHNN quyết định chỉ tiêu hạn mức tín dụng cho năm tiếp theo.

Thứ ba, hạn mức tín dụng được giao chỉ có giá trị trong năm, nên mức độ tăng trưởng tín dụng đạt được của TCTD là cơ sở đánh giá khả năng sử dụng nguồn lực cho phép của họ.

Yếu tố kỹ thuật trong xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng

Theo NHNN, cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng của hệ thống là 13,71% so với cuối năm 2022. Nhưng tính theo thời gian, đến ngày 30-11-2023, mức tăng trưởng tín dụng mới đạt 91,15% hạn mức. Nghĩa là chỉ riêng tháng 12-2023, mức tăng trưởng tín dụng là 4,56%, chiếm tỷ lệ hơn 33,25% tăng trưởng tín dụng cả năm.

Đặc biệt, chỉ 10 ngày cuối tháng 12-2023, mức tăng trưởng tín dụng là 2,62%, chiếm tỷ lệ hơn 19,80% tăng trưởng tín dụng cả năm. Nghĩa là khối lượng tín dụng mà các TCTD phải xử lý trong 10 ngày cuối năm gần bằng 1/5 khối lượng công việc cả năm.

Việc chạy “nóng” hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vào năm 2023 chắc chắn không tránh khỏi khó khăn cho một số TCTD trong việc đảm bảo tiêu chuẩn tín dụng. Rõ ràng, không thể nghi ngờ số liệu của từng TCTD vì báo cáo tài chính hợp nhất của mỗi TCTD đều ghi nhận tại ngày 31-12 và được kiểm toán.

Nhờ yếu tố xử lý kỹ thuật nên TCTD có khả năng bứt tốc tăng trưởng tín dụng vào tháng cuối năm. Nhưng câu chuyện bứt tốc tăng trưởng tín dụng cuối năm 2023 của nhiều TCTD dù sao cũng phát lộ hoạt động tín dụng của hệ thống đang có vấn đề, thiếu sự ổn định. Rõ ràng, NHNN nên thắt chặt hơn nữa về giám sát thực hiện hạn mức tín dụng của các TCTD. Sự dồn cục trong tiếp nhận, thẩm định, lập và trình hồ sơ tín dụng của khách hàng tại mỗi TCTD không những gây rủi ro cho họ mà rủi ro cho khách hàng và đến lượt là nền kinh tế.

qt.jpg
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank). Ảnh: Quang Thái

Dư địa lãi suất thấp còn rất lớn

Đối tượng nào "sốt ruột" nhất khi tăng trưởng tín dụng chậm? Chắc chắn đó là các TCTD.

Tăng trưởng tín dụng nhanh hơn giúp TCTD cải thiện thu nhập lãi ròng, hạn chế rủi ro ứ đọng vốn huy động. Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm nay đạt mức thấp, nguyên nhân được chỉ ra nhiều, nhưng có nguyên nhân ẩn nấp chưa được đề cập.

Phải chăng, tăng trưởng tín dụng “nóng” vào tháng 12-2023 đã ứng trước một phần nhu cầu tín dụng của nền kinh tế trong tháng 1, tháng 2-2024? Chưa có con số thống kê nên chưa thể trả lời câu hỏi này đầy đủ nhưng đó đang là điểm đáng ngờ.

Khác với các năm trước, ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp diễn biến thực tế.

Trước tình hình tăng trưởng tín dụng các tháng đầu năm khá thấp, NHNN đã yêu cầu các TCTD đẩy mạnh giải pháp tăng trưởng tín dụng. Nhiệm vụ tập trung của các TCTD là tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục và quy trình cho vay, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng tốt hơn.

Xu hướng trong ngắn hạn, NHNN vẫn kiên định ổn định mức lãi suất điều hành (lãi suất tối đa tiền gửi không kỳ hạn đến kỳ hạn dưới 6 tháng) nên dư địa duy trì lãi suất tiền gửi với mức thấp vẫn còn lớn. Cùng với đó, các nguồn tiền gửi huy động lãi suất cao vào nửa cuối năm 2022 tại các TCTD cơ bản đã tất toán, trong khi nguồn tiền gửi CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tiếp tục được duy trì và mở rộng tại nhiều TCTD. Đó là điều kiện thuận lợi cho các TCTD tiếp tục cải thiện hơn mức hấp dẫn trong lãi suất cho vay.

Rõ ràng, các TCTD không nên băn khoăn nhiều trong câu chuyện tăng trưởng tín dụng chậm. Vấn đề hiện nay của các TCTD là tìm biện pháp cải thiện điều kiện vay vốn của khách hàng, cùng với đó là vượt được rào cản lo nợ xấu tăng nên cho vay thận trọng. Hiện, trong 28 TCTD có báo cáo tài chính quý I-2024 thì 9 TCTD có mức nợ xấu từ 3,02% đến 4,83%, đặc biệt ngân hàng NCB là 29,02%. Với các TCTD này nếu lấy mục tiêu bứt tốc tăng trưởng tín dụng để pha loãng nợ xấu phải hết sức cẩn trọng.