Nông nghiệp - Nông thôn

Gần 4 năm thực hiện Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND:Khó di dời cơ sở chăn nuôi do tập quán sinh hoạt

Quỳnh Dung 21/06/2024 - 14:52

Việc triển khai Nghị quyết 02/NQ-HĐND vẫn còn vướng mắc do: Việc bố trí quỹ đất và thủ tục liên quan đến chính sách di dời cơ sở chăn nuôi từ khu vực không được phép chăn nuôi ra khu vực được quy hoạch vẫn còn khó khăn...

Đây là nội dung chính được thảo luận trong hội nghị triển khai Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội và triển khai công tác chăn nuôi do Sở NN&PTNT tổ chức vào ngày 21-6.

Còn 450 hộ có hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND ngày 7-7-2020 của HĐND thành phố về việc ban hành khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội, đã có nhiều kết quả khả quan: Khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả thấp; giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường, cảnh quan; phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô...

Theo đó, trước khi có Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND (Nghị quyết 02), tổng số hộ chăn nuôi là 2.599 với 204.117 con gia súc, gia cầm ở nội thành, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, 6 thị trấn thuộc 5 huyện (Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì), đến nay chỉ còn 450 hộ có hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm (giảm 82,89%) với 47.203 gia súc, gia cầm (giảm 77,47%) so với trước khi Nghị quyết 02 ban hành…

quan-bac-tu-liem.jpg
Người dân phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) vẫn loay hoay chuyển đổi từ chăn nuôi sang nghề khác. Ảnh: Trọng Tùng.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Nghị quyết 02/NQ-HĐND vẫn còn khó khăn như: Việc bố trí quỹ đất và thủ tục liên quan đến chính sách di dời cơ sở chăn nuôi ra khu vực được quy hoạch khó triển khai do thủ tục phức tạp, xa nơi ở của người chăn nuôi. Một số địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt, còn nể nang, né tránh (nhất là chính quyền cấp phường) trong việc thực hiện các giải pháp dừng, chấm dứt hoạt động chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi.

Ngoài ra, Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) có địa chỉ tại quận Bắc Từ Liêm vẫn còn số gia súc, gia cầm tương đối lớn ở Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương…

chan-nuoi-gia-cam-dong-anh.jpg
Huyện Đông Anh tập trung phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Trọng Tùng.

Về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Xuân Trường cho biết, từ tháng 7-2020 đến nay, quận đã dừng 98/122 hộ chăn nuôi (bằng 80,3%), như vậy tổng đàn giảm 5.624/6.240 con. Tuy nhiên, công tác triển khai trên địa bàn quận còn khó khăn do tập quán chăn nuôi tận dụng thức ăn dư thừa gắn liền với thói quen sinh hoạt của một bộ phận người dân, đặc biệt là người dân tại khu vực bãi ven sông Hồng, lấy chăn nuôi là nguồn thu nhập chính. Một số loại hình chăn nuôi có thu nhập cao như bò sữa tại vùng bãi sông Đuống (phường Phúc Lợi) gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động các hộ dừng chăn nuôi.

Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng: Theo quy trình xây dựng huyện Gia Lâm thành quận, việc tuyên truyền vận động không chăn nuôi trên địa bàn cần thời gian dài và cần một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù vì nhiều địa phương thu nhập chủ yếu vẫn từ chăn nuôi. Lao động trong hộ chăn nuôi lớn tuổi, chuyển đổi nghề khó khăn, mức hỗ trợ học nghề thấp…

Hỗ trợ và xử lý sai phạm trong chăn nuôi

Phó Trưởng Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, huyện đang xây dựng lộ trình giảm dần chăn nuôi, tiến tới chấm dứt chăn nuôi khi thành quận. Để đạt mục tiêu này, huyện tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo vùng bãi sông Hồng, sông Đáy, nhân rộng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện tốt đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang ngành nghề khác...

hoai-duc-chan-nuoi.jpg
Người dân huyện Hoài Đức đẩy mạnh chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn. Ảnh: Ánh Dương.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Xuân Trường, quận tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các hộ dân chấp hành việc dừng chăn nuôi trong khu vực không được phép; hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ các hộ vay vốn ưu đãi để chuyển đổi nghề, thuê địa điểm kinh doanh tại chợ...

Kết luận hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Chăn nuôi, Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND, đối với các quận, khu vực không được phép chăn nuôi, cần nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt quy định của pháp luật về chăn nuôi, tập huấn chuyển đổi nghề, lồng ghép chính sách hiện hành hỗ trợ người chăn nuôi chuyển đổi nghề...

Hà Nội phấn đấu hết năm 2024 không còn chăn nuôi trong khu dân cư, trừ chăn nuôi động vật làm cảnh, động vật thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường theo quy định của Luật; phối hợp với các huyện hỗ trợ người chăn nuôi di dời chăn nuôi (nếu có); tăng cường kiểm tra, vận động, hướng dẫn hộ chăn nuôi chấm dứt hoặc di dời hoạt động chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi; có biện pháp xử lý nghiêm các hộ không chấp hành.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các quận, huyện, thị xã xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất chăn nuôi công nghệ cao, chăn nuôi gắn với trải nghiệm, sản xuất giống chăn nuôi đặc sản của Hà Nội có giá trị kinh tế cao; xác định rõ vùng chuyên canh chăn nuôi phù hợp từng địa phương...

Sau gần 4 năm triển khai Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND, đến nay có 4 địa phương không còn hoạt động chăn nuôi gồm: 4 phường của thị xã Sơn Tây; thị trấn Yên Viên, Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm); thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng); thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh). Nhiều địa phương tích cực hỗ trợ người dân như: Quận Long Biên hỗ trợ 75 hộ vay vốn để chuyển đổi nghề, mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ để kinh doanh, dịch vụ, gia công cơ khí, bán hàng ăn uống, trồng cây... Quận Tây Hồ hỗ trợ 8 hộ dân nuôi lợn vay vốn từ nguồn Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội để chuyển đổi ngành nghề, tổng số tiền cho vay 610 triệu đồng...