Tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 1-7
Cùng với việc tăng 30% lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 1-7 này, người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi và trợ cấp xã hội cũng có mức hưởng tăng lên.
Trên cơ sở đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Chính phủ đề xuất từ ngày 1-7 điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6-2024). Đồng thời, đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Chính phủ cũng đề xuất điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng (tăng 35,7%, cao hơn 5,7% so với mức tăng lương 30% của công chức; năm 2023, mức điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công cũng cao hơn 5,7% mức tăng lương cơ sở); giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp. Đồng thời, điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360 nghìn đồng lên 500 nghìn đồng/tháng (tăng 38,9%).
Chính phủ đề nghị cho phép mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương và địa phương để chi cho việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội, chính sách an sinh xã hội và tinh giản biên chế.
Trao đổi với phóng viên, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, ngày 31-5 vừa qua, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ đã có Tờ trình số 46-TTr/BCSĐ trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024. Trong đó báo cáo rõ các căn cứ chính trị, pháp lý, các quan điểm, nguyên tắc và xác định các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo yêu cầu của Nghị quyết 27; đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo các nguyên tắc của Nghị quyết 28 và quy định của pháp luật hiện hành để bảo đảm sự đồng bộ.
Tuy nhiên, để thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết 27 thì còn những vướng mắc, bất cập. Để tháo gỡ những khó khăn, bất cập (nếu thực hiện đủ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết 27), cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện và phải sửa đổi rất nhiều văn bản của Đảng và của pháp luật có liên quan (đặc biệt là các chính sách gắn với mức lương cơ sở).
Theo đó, sau nhiều lần họp Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương và Thường trực Chính phủ, các ban, bộ, ngành liên quan; trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị tại cuộc họp ngày 19-6-2024, Chính phủ đề xuất giải pháp thực hiện điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo hướng, đối với khu vực doanh nghiệp, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng (theo tháng và theo giờ) theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng 6% áp dụng từ ngày 1-7-2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước.
Đối với khu vực công, thực hiện Nghị quyết 27 theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, khả thi. Thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công của Nghị quyết số 27-NQ/TW đã rõ, đủ điều kiện thực hiện, trong đó có việc bổ sung chế độ tiền thưởng từ ngày 1-7-2024 (quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản). Trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương, cho thực hiện giải pháp điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1-7-2024. Trong thời gian chưa đủ điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp mới, tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành.
Đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Việc đề xuất cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp; tăng lương (30%) và bổ sung quỹ tiền thưởng (10% lương cơ bản) của khu vực công; làm rõ cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7 nêu trên là giải pháp khả thi nhất, tốt nhất trong bối cảnh chưa có đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay (chưa thực hiện các bảng lương và phụ cấp mới), mang lại những tác động tích cực.
Khu vực doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các nội dung của Nghị quyết 27; khu vực công thực hiện được 4/6 nội dung của Nghị quyết 27, đồng thời thực hiện được mục tiêu tăng lương từ ngày 1-7-2024 theo yêu cầu của Đảng (Kết luận số 64-KL/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII) và của Quốc hội (Nghị quyết số 104/2023/QH15).
Điều này cũng tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội, tạo hiệu ứng tốt và rất lớn trong xã hội. Các đối tượng nghỉ hưu, hưởng trợ cấp, chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở đều được điều chỉnh tăng tương ứng với mức tăng lương của công chức, phù hợp với yêu cầu của các Nghị quyết 27, 28, 42-NQ/TW và các quy định của pháp luật có liên quan. Theo đó, sẽ bảo đảm được tương quan cân đối hài hòa, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, trợ cấp và chính sách liên quan đến mức lương cơ sở, tạo được sự thống nhất đồng thuận lớn trong xã hội.
Tổng hợp sơ bộ cho thấy, tăng lương tác động lên khoảng 18 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội; trên 50 triệu người do ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; khoảng 16 triệu học sinh, sinh viên; khoảng 30 triệu người liên quan chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh...
Mức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (30%) là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở; tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Đồng thời, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị xã hội.