Thế giới

EU chuẩn bị loạt biện pháp mới trừng phạt Nga

Quỳnh Dương 21/06/2024 - 09:13

Ngày 21-6, các đại sứ của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về một loạt biện pháp trừng phạt mới "mạnh mẽ và đáng kể" nhằm vào Nga.

screenshot_20240621-082806_zalo.jpg
Quân đội Nga tấn công một số ngôi làng tại khu vực Kharkov. Ảnh: Sputnik

Thông báo trên nền tảng truyền thông xã hội X, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, người soạn thảo các biện pháp trừng phạt cho biết, gói này sẽ từ chối Nga tiếp cận các công nghệ quan trọng, tước đi nguồn thu từ năng lượng của Nga. Điều này giúp giải quyết đội tàu và mạng lưới ngân hàng hoạt động trong “bóng tối” của Mátxcơva ở nước ngoài.

Các biện pháp này đặc biệt sẽ nhắm vào việc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga và khiến việc vận chuyển trở nên khó khăn hơn. EU ước tính, khoảng 4-6 tỷ mét khối LNG của Nga đã được vận chuyển đến các nước thứ ba thông qua các cảng của EU vào năm ngoái.

“Gói này cung cấp biện pháp có mục tiêu mới và tối đa hóa tác động của lệnh trừng phạt hiện có bằng cách thu hẹp các lỗ hổng. Thông tin chi tiết đầy đủ có thể sẽ được công bố vào đầu tuần tới nếu các bộ trưởng ngoại giao EU tán thành”, bà Ursula von der Leyen cho biết thêm.

Ngoài ra, hơn 100 quan chức và “thực thể” nữa của Nga sẽ trở thành mục tiêu bị phong tỏa tài sản và cấm đi lại. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergey Lavrov cũng như nhiều nhà lập pháp và một số nhà tài phiệt nằm trong số hơn 1.700 người đã được liệt kê.

Hơn 400 thực thể đang bị EU phong tỏa, bao gồm các công ty hoạt động trong lĩnh vực quân sự, hãng hàng không, đóng tàu và máy móc, nhóm lính đánh thuê Wagner, các đảng chính trị và ngân hàng. Khoảng 210 tỷ euro (225 tỷ USD) tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga bị phong tỏa ở EU.

Các biện pháp trừng phạt mới là một phần trong chuỗi phản ứng liên tục của EU để ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Một diễn biến khác có liên quan, Mỹ dự kiến bắt đầu cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine trong vài tuần tới. Theo ông John Kirby, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ: “Chúng tôi hy vọng đợt giao hàng đầu tiên của tên lửa phòng không cho Ukraine sẽ diễn ra trong mùa hè này”.

Trong khi đó, Hàn Quốc cho biết, nước này sẽ xem xét việc gửi vũ khí tới Ukraine. Đây là một sự thay đổi chính sách lớn được đề xuất sau khi Nga và Triều Tiên ký hiệp ước bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Thông tin được một quan chức cấp cao Hàn Quốc đưa ra vài giờ sau khi truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố chi tiết về thỏa thuận mà các nhà quan sát cho rằng có thể đánh dấu mối liên hệ mạnh mẽ nhất giữa Mátxcơva và Bình Nhưỡng kể từ khi kết thúc chiến tranh Lạnh.