Đào tạo báo chí, truyền thông: Không ngừng đổi mới trong thời đại số
Trong bối cảnh truyền thông đang chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của công nghệ số, công tác đào tạo báo chí đứng trước nhiều thách thức to lớn.
Thực tế này đặt ra yêu cầu bức thiết phải tiếp tục đổi mới một cách mạnh mẽ hoạt động đào tạo báo chí, truyền thông.
Áp lực đổi mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Khẳng định yêu cầu “phải cải tổ toàn diện và sâu sắc hoạt động đào tạo báo chí”, PGS.TS Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã nêu lên những thách thức trong bối cảnh chuyển đổi số. Đó là tình trạng công tác đào tạo chưa tích hợp đầy đủ và hiệu quả những kiến thức, kỹ năng liên quan tới công nghệ mới trong truyền thông. Hay việc chương trình đào tạo báo chí đối mặt với nguy cơ hụt hơi trước sự dịch chuyển về nhu cầu và hành vi của công chúng trên thị trường thông tin.
Thực tế cho thấy, việc cung cấp kiến thức chung, sơ lược mà thiếu chiều sâu khiến sinh viên thiếu hụt năng lực thích ứng, đáp ứng thị hiếu đa dạng và linh hoạt, cũng như khả năng tương tác với công chúng. PGS.TS Trần Thanh Giang nhấn mạnh: Xu thế phát triển hiện nay đang đi theo hướng báo chí đa nền tảng, đặt ra yêu cầu đối với ngành báo chí, truyền thông về việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng nhanh nhạy với những yêu cầu mới, hoạt động đào tạo báo chí cần tránh nguy cơ tách rời với thực tiễn.
Bàn về áp lực đổi mới trong đào tạo báo chí, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Không giống như đào tạo cử nhân của ngành khoa học xã hội khác, rèn luyện kỹ năng làm nghề luôn là ưu tiên số một trong các trường đào tạo báo chí, truyền thông. Người đào tạo báo chí cần nắm bắt nhanh nhạy dòng chảy báo chí chủ lưu và có kỹ năng tác nghiệp thuần thục để hướng dẫn cho sinh viên - những nhà báo tương lai. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và cơ quan báo chí, để sản phẩm của các nhà trường là đào tạo được đội ngũ nhân lực báo chí truyền thông chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nhà tuyển dụng".
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đào tạo
Gợi ý các giải pháp trong đào tạo nghiệp vụ báo chí số, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nêu lên một số nội dung trọng tâm, bao gồm: Đẩy mạnh đổi mới, liên tục cập nhật chương trình đào tạo theo xu hướng phát triển của báo chí số; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo báo chí, doanh nghiệp, hiệp hội, viện nghiên cứu và các cơ quan báo chí cùng các tổ chức truyền thông để xây dựng chương trình đào tạo sát thực tế… Cùng với đó là tăng cường liên kết “4 nhà” trong đào tạo nghiệp vụ báo chí số (nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu phát triển và ứng dụng, nhà sáng chế công nghệ); đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo.
Nêu lên yêu cầu hình thành mạng lưới đào tạo báo chí, truyền thông trong thời đại số, nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Báo chí ngày nay không còn giới hạn trong 4 loại hình cơ bản: Báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử, mà còn xuất hiện nhiều loại hình mới như báo chí đa phương tiện, báo chí dữ liệu, báo chí tự động hay các hoạt động truyền thông có tính báo chí như mạng xã hội, ứng dụng tổng hợp tin… Điều đó đặt ra yêu cầu cần đổi mới mục tiêu và phương pháp đào tạo báo chí, truyền thông để tạo nguồn nhân lực có thể đáp ứng kịp thời sự thay đổi của báo chí, truyền thông trong thời đại số. Giải pháp tốt nhất là hình thành mạng lưới đào tạo báo chí gồm 3 chân kiềng: Cơ sở đào tạo (trường đại học, cao đẳng), các cơ quan báo chí và công ty công nghệ liên quan đến báo chí truyền thông.
Chuyển đổi số mang lại xu thế của sự hội tụ về công nghệ, xuất bản theo yêu cầu của người dùng và các nền tảng báo chí mới ra đời nhằm đáp ứng các yêu cầu đó. Nhấn mạnh nội dung này, PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc - Chủ tịch Hội đồng khoa học Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Trong thời gian tới, Học viện sẽ tiếp tục đổi mới chương trình theo hướng hiện đại, phối hợp với công nghệ để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhân lực số từ các cơ quan báo chí; tập trung trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, nâng cao tính chủ động và kỹ năng của nhà báo.
Có thể nói, với việc không ngừng đổi mới, chủ động áp dụng đồng bộ các giải pháp, các cơ sở đào tạo báo chí đã và đang hướng đến đào tạo nguồn nhân lực báo chí số có khả năng thực hiện các sản phẩm đa phương tiện, đa nền tảng. Qua đó, phát huy tính sáng tạo trong cách tiếp cận đề tài lẫn trình bày ý tưởng và nội dung báo chí, truyền thông.
Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân
Với chức năng “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, việc báo chí tham gia giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc là một nhiệm vụ tất yếu. Đó là sự thể hiện cụ thể, thiết thực trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo. Báo Hànộimới ghi nhận một số ý kiến của các nhà báo xung quanh vấn đề này.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam:
Báo chí giúp gợi mở, tháo gỡ nhiều vấn đề dân sinh bức xúc
Từ thực tiễn công việc, có thể thấy, những năm qua, các cơ quan báo chí, người làm báo luôn không ngừng tìm tòi, phát hiện, góp sức vào công cuộc giám sát, phản biện xã hội; ngày càng có nhiều tác phẩm báo chí được đầu tư công phu, góp phần giải quyết các vấn đề dân sinh một cách hiệu quả. Có những loạt bài thậm chí được triển khai 6 tháng, 1 năm, khảo sát thực tiễn kỹ lưỡng, nghiên cứu hàng nghìn định mức, tìm ra các điểm nghẽn, phỏng vấn người có trách nhiệm, nêu lên các giải pháp cụ thể, đăng tải rộng rãi trên công luận. Có thể nói, hằng ngày, hằng giờ, báo chí đã và đang làm tốt trách nhiệm của mình trong công tác giám sát, phản biện, góp phần cùng toàn xã hội quan tâm đời sống người dân, quan tâm xử lý, giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc trong đời sống xã hội.
Để tiếp tục phát huy tốt kết quả này, bản thân người làm báo cần không ngừng chủ động nhập cuộc, phát hiện các đề tài thực sự được người dân quan tâm, phân tích, thẩm định, đánh giá, tận dụng sự trợ giúp của chuyên gia về lĩnh vực đang viết, theo dõi, hướng tới sự vào cuộc xử lý của cơ quan chức năng để gợi mở các giải pháp, tháo gỡ nhiều vấn đề dân sinh bức xúc. Cùng với đó, nhà báo phải đầu tư lớn về trí tuệ, tình cảm, trách nhiệm, không ngừng học hỏi kỹ năng làm báo đa phương tiện, góp phần nâng cao hiệu quả và sự lan tỏa thông điệp đúng đắn từ tác phẩm báo chí.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Kiều Thanh Hùng:
Phát huy hiệu quả công tác giám sát, phản biện
Thời gian qua, các cơ quan báo chí Thủ đô đã phát huy hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong công tác tuyên truyền, thực sự là diễn đàn của nhân dân, bám sát thực tiễn, kịp thời nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực phát hiện, đấu tranh chống tiêu cực thông qua báo chí. Trong bối cảnh tác động của công nghệ làm báo hiện đại, các cơ quan báo chí, người làm báo ở Thủ đô đã và đang tích cực chuyển mình, thay đổi cách làm báo truyền thống, học cách khai thác công nghệ làm báo hiện đại trong việc tạo nên các sản phẩm báo chí mang hàm lượng trí tuệ cao, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của độc giả, phục vụ tốt, nhanh nhạy, hiệu quả các vấn đề dân sinh. Thực tế đã có nhiều tấm gương người làm báo dấn thân, cống hiến trong việc tạo nên các sản phẩm báo chí có chất lượng, thông tin đúng định hướng, đặc biệt là việc lấy cái đẹp dẹp cái xấu, thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện của báo chí.
Nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí, người làm báo Thủ đô phát huy hiệu quả công tác giám sát, phản biện, đặc biệt là trong việc tích cực tham gia giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, Hội Nhà báo thành phố đã và đang tập trung thực hiện kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ, tăng cường đào tạo phương thức làm báo hiện đại để người làm báo có thể ứng dụng công nghệ mới vào việc tạo nên sản phẩm báo chí đa phương tiện hấp dẫn và đặc sắc, thu hút sự quan tâm của độc giả. Đồng thời, tăng cường tổ chức đi thực tế, giúp các nhà báo thêm vốn sống, mang hơi thở thực tiễn vào tác phẩm… Qua đó, phát huy trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của người làm báo, hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Phó Tổng Biên tập Báo Nam Định Trần Vân Anh:
Rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng
Với chức năng nhiệm vụ được giao và đặc thù nghề nghiệp, cùng sứ mệnh thiêng liêng của báo chí cách mạng là “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, việc báo chí tham gia giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc là một nhiệm vụ, yêu cầu tất yếu - sự thể hiện cụ thể, thiết thực nhất trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo.
Đặc biệt, trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ hiện nay, nhà báo, với chức năng định hướng dư luận vào những điều đúng đắn, càng phải có ý thức tham gia giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc một cách có trách nhiệm. Thứ nhất, phải trau dồi kiến thức xã hội rộng rãi, toàn diện, sâu sắc, kiến thức nghề nghiệp sắc bén, vững vàng để đánh giá đúng, trúng vấn đề và lựa chọn được cách thức, phương pháp tham gia bảo đảm hiệu quả xã hội, thiết thực và an toàn. Thứ hai, phải có, và phải giữ “lòng trong” để đạt được mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ, không gây thêm hay tạo thành bức xúc mới. Nhà báo phải rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, có tình yêu nghề đích thực để luôn trân trọng và bảo vệ sự tôn quý của nghề.
Thu Minh ghi