Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024): Cầu nối vững để củng cố lòng tin
Đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, 99 năm qua, các cơ quan báo chí, người làm báo Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng luôn tích cực tham gia giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc.
Qua đó, báo chí đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, giữ vững định hướng chính trị, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Chăm lo đời sống dân sinh, tháo gỡ vấn đề bức xúc
Tháng 4-2024, Báo Hànộimới nhận được thông tin phản ánh của người dân xã Văn Khê (huyện Mê Linh) về việc trên địa bàn có một số chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án chưa làm tròn trách nhiệm trong thực hiện quy định về bảo vệ môi trường, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Ngay sau đó, Báo Hànộimới đã cử nhóm phóng viên tìm hiểu thông tin, ghi nhận tình hình thực tế, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan, kịp thời có bài viết về vụ việc. Với sự vào cuộc của Báo Hànộimới, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đã kịp thời vào cuộc, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do thi công xây dựng công trình gây ra, góp phần ổn định đời sống dân sinh trên địa bàn.
Đó chỉ là một ví dụ nhỏ trong hàng trăm, hàng nghìn vụ việc được báo chí cả nước, trong đó có Báo Hànộimới phản ánh, phân tích, xử lý mỗi ngày, góp tiếng nói nhằm giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi bày tỏ đánh giá cao việc thực hiện tốt vai trò của báo chí trong việc bám sát đời sống nhân dân ở cơ sở thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh: “Việc báo chí tích cực tham gia giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc thể hiện trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của người làm báo, quan tâm chăm lo đời sống dân sinh, kịp thời đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc”.
Thực tế còn có rất nhiều minh chứng cho sự chủ động nhập cuộc của các cơ quan báo chí, người làm báo trong việc tham gia giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc. Đơn cử như việc cấp nước sạch ở Khu đô thị Thanh Hà và một số khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội, sau khi hàng loạt cơ quan báo chí phản ánh, phân tích và đánh giá tình hình, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc giải quyết. Nhiều giải pháp đã được thực hiện đồng bộ, một mặt đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện dự án cấp nước đã được phê duyệt, mặt khác, áp dụng tùy nơi, tùy lúc biện pháp phù hợp như điều tiết nguồn nước, triển khai cấp nước luân phiên, cấp nước theo giờ, thay đổi đơn vị cấp nước sạch…, qua đó góp phần từng bước ổn định nguồn cung cấp nước sạch cho người dân.
Hay đối với việc giải quyết tình trạng tái nghiện ma túy, xây dựng cộng đồng dân cư an toàn, lành mạnh, báo chí cũng tích cực nhập cuộc, có nhiều tuyến bài phân tích nguyên nhân, đồng thời gợi mở các giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Cụ thể như: Phát huy hiệu quả mô hình quản lý, chăm sóc người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú; tăng cường hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện… Tất cả những vấn đề này nhằm bảo vệ cộng đồng trước hiểm họa ma túy, giảm tác hại do ma túy.
Có thể nói, thông qua báo chí, rất nhiều vụ việc bức xúc dân sinh đã được phát hiện, phản ánh, tổ chức thực hiện công phu, tạo chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững an ninh, an toàn tại địa phương, đơn vị.
Sản phẩm báo chí cần hướng vào người dân
Việc tích cực tham gia, kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, những đòi hỏi bức thiết của người dân xung quanh giá điện, giá xăng dầu, chất lượng nước sinh hoạt, chất lượng không khí, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an toàn cháy nổ… đòi hỏi người làm báo cần phải dấn thân, chủ động tiếp cận các đề tài gần gũi đời sống nhân dân, qua đó không chỉ giúp các cơ quan chức năng kịp thời tháo gỡ các vấn đề bức xúc mà còn giúp người dân hiểu, chia sẻ với những khó khăn đặt ra; qua đó góp phần tạo sự đồng thuận, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu ổn định và phát triển chung của Thủ đô và đất nước.
Vì vậy, một trong các giải pháp nâng cao hiệu quả việc tham gia giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, đó là phải tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý báo chí, các cấp Hội Nhà báo với cơ quan báo chí trong việc giáo dục ý thức trách nhiệm cho người làm báo. Cùng với đó, phải tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ người làm nghề, để người làm báo không chỉ phản ánh từng vụ việc đơn lẻ, mà cần đi sâu, đi hết vấn đề, phân tích nguyên nhân sâu xa dẫn tới thực trạng, đề xuất hướng giải quyết, đưa thông tin “chạm tới bàn làm việc” của cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách nhằm tạo sự thay đổi căn bản.
Với các cơ quan báo chí, cần tiếp tục tích cực chuyển đổi số, chủ động nhập cuộc, trau dồi nghiệp vụ, kỹ năng sử dụng công nghệ làm báo hiện đại cho người làm báo, để ngày càng có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, bám sát thực tiễn, mang tính định hướng và hấp dẫn, có sức thuyết phục với mỗi người. Sản phẩm báo chí cần đa dạng, thực sự hướng vào người dân, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân…
Nói cách khác, như chỉ đạo của Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, đó là mỗi người làm báo cần phát huy truyền thống, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ, trau dồi kỹ năng báo chí, kỹ năng công nghệ, rèn bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn cao, thực hiện tốt trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của người làm báo.
Tại Hà Nội, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của báo chí trong việc tham gia giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, chính quyền thành phố luôn coi báo chí là một kênh thông tin quan trọng, là phương tiện, công cụ đắc lực giúp thành phố trong việc lãnh đạo, quản lý, điều hành. Hằng tháng, Ban Tuyên giáo Thành ủy thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông cùng Hội Nhà báo thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban thông tin báo chí với các cơ quan báo chí Thủ đô. Qua đó, chất lượng thông tin về các hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của Hà Nội trên báo chí ngày càng được nâng cao. Thành phố cũng rất quan tâm và thực hiện tốt công tác điểm báo hằng ngày để nắm bắt sâu hơn tình hình báo chí, dư luận phản ánh về các vấn đề, vụ việc bức xúc dân sinh trên địa bàn, từ đó, giúp lãnh đạo thành phố có những quyết sách phù hợp, chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương, đơn vị kịp thời xử lý vụ việc và trả lời báo chí theo quy định.
UBND thành phố cũng thường xuyên có văn bản, giao nhiệm vụ cho các bên liên quan kịp thời giải quyết mọi vấn đề, vụ việc bức xúc liên quan đến đời sống dân sinh trên địa bàn thành phố khi được phản ánh qua báo chí, như: Tình trạng xuống cấp của các chợ dân sinh, việc hàng loạt hố cáp quang mất nắp “giăng bẫy” người đi đường, hoạt động xây dựng trái phép tái diễn, những bức xúc liên quan công tác quản lý đất đai, dấu hiệu sai phạm về trật tự xây dựng… Với từng vụ việc, UBND thành phố đều kịp thời nắm bắt, giao các đơn vị quản lý và đơn vị chức năng liên quan kiểm tra, xử lý, báo cáo, thực hiện thông tin trả lời báo chí theo quy định với thời hạn cụ thể, rõ ràng. Qua đó, báo chí thực sự là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân.
Mới đây, tại chương trình gặp mặt đại biểu các cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội nhân dịp 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024) của Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội diễn ra ngày 18-6, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong một mặt ghi nhận sự ủng hộ, đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ hiệu quả của các cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội; mặt khác, đề nghị các cơ quan báo chí phát huy tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, đồng hành với Thủ đô trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại. Việc tích cực tham gia giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc của người dân cũng chính là cơ hội để các cơ quan báo chí, người làm báo góp sức thực hiện tốt nhiệm vụ chung của Thủ đô.