Khơi dậy vẻ đẹp thanh lịch, văn minh từ tác phẩm văn học, nghệ thuật
Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19-2-2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, ngày 20-6, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức tọa đàm “Văn học, nghệ thuật Thủ đô sáng tác các tác phẩm hướng tới đề tài Người Hà Nội khơi dậy vẻ đẹp thanh lịch, văn minh”.
Phát biểu đề dẫn, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội nhấn mạnh, Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu Đảng đoàn Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội xây dựng kế hoạch thực hiện để việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thành phong trào trong nhân dân Thủ đô; trong đó tập trung định hướng văn nghệ sĩ tích cực tham gia, sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ, cảm thụ văn hóa của nhân dân, lan tỏa giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội trong thời kỳ mới.
Theo ông Trần Quốc Chiêm, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức cuộc tọa đàm nhằm nêu cao vai trò, trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong việc sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật hướng tới đề tài “Người Hà Nội khơi dậy vẻ đẹp thanh lịch, văn minh” để phục vụ nhân dân, đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô hiện nay.
Tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của đại diện các hội chuyên ngành. Tại đây, các đại biểu đã khẳng định vai trò, trách nhiệm của văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách con người nói chung và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nói riêng; đồng thời nêu thực trạng sáng tác văn học, nghệ thuật của văn nghệ sĩ Thủ đô về đề tài xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…
Đặc biệt, nội dung được các văn nghệ sĩ thảo luận sôi nổi nhất là những đề tài sáng tác văn học, nghệ thuật về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đáp ứng yêu cầu và phù hợp, hấp dẫn khán giả hiện nay.
Nhà viết kịch Giang Phong (Hội Sân khấu Hà Nội) nêu ý tưởng viết và xây dựng tác phẩm về những người dân bình dị của Hà Nội mang đặc trưng của người kinh kỳ là nhã nhặn, ý chí, kín đáo, đằm thắm và tình cảm, trong đó hướng vào những người đang gìn giữ những nghề truyền thống của Thăng Long - Hà Nội.
Theo nhà văn Nguyễn Thị Mai (Hội Nhà văn Hà Nội), các tác giả cần sáng tạo tác phẩm trong đó xây dựng hình tượng nhân vật có lối sống thanh lịch, văn minh có nhân cách sống tốt đẹp để công chúng yêu thích, học theo; viết những tác phẩm hướng tới chân - thiện - mỹ, có con mắt nhìn tích cực, trong sáng về Hà Nội, con người Hà Nội…
PGS.TS Nguyễn Thị Huế (Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội) cho rằng, sáng tác văn học, nghệ thuật về các hoạt động của tuổi trẻ Thủ đô, hướng thế hệ trẻ đến lối sống và ứng xử tích cực bằng những phương thức thể hiện hiện đại, mới mẻ sẽ hấp dẫn được đối tượng này và góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ, cảm thụ văn hóa cho giới trẻ…
Các ý kiến văn nghệ sĩ tại tọa đàm cũng đề cập đến việc tổ chức các cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài này; tổ chức các cuộc đi thực tế sáng tác; hội thảo, tọa đàm để nâng cao nhận thức của văn nghệ sĩ với những vấn đề ảnh hưởng đến việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…