Văn hóa

Tiếp nhận cổ vật Tượng đồng Nữ thần Durga về Việt Nam

Hoàng Lân 20/06/2024 - 12:31

Ngày 20-6, Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, ngày 18-6-2024, tượng đồng Nữ thần Durga thuộc văn hóa Chăm Pa, từng bị bán trái phép sang Hoa Kỳ, được đưa thành công từ Vương quốc Anh về tới Việt Nam.

z5556022732481_5af4a68a35b13828e3a7f38bbd332a42.jpg
Các chuyên gia thẩm định và bảo quản tượng đồng. Ảnh: Cục DSVHVN

Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa Việt Nam, tháng 8-2023, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh thông tin cho Bộ VHTTDL về việc Bộ Tư pháp và Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ phối hợp với Cảnh sát Đô thành London (Anh) tịch thu tượng đồng Nữ thần Durga 4 tay (thế kỷ VII) có nguồn gốc Việt Nam từ một vụ điều tra buôn bán cổ vật bất hợp pháp và đề xuất khả năng trao trả cổ vật này về Việt Nam.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, đối sánh tư liệu và xác định tượng đồng Nữ thần Durga mang đặc trưng tiêu biểu của nghệ thuật tạo hình, điêu khắc Chăm Pa giai đoạn sớm (thế kỷ VII), có mối giao lưu, ảnh hưởng từ nghệ thuật điêu khắc của Văn hóa Óc Eo giai đoạn muộn.

Căn cứ các quy định của Luật Di sản văn hóa, Bộ đã có công văn gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh về việc xác nhận tượng đồng Nữ thần Durga là của Việt Nam và ủy quyền Đại sứ quán thay mặt Bộ tiếp nhận cổ vật từ đại diện Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ và Cảnh sát Đô thành London.

Tháng 1-2024, Bộ VHTTDL đã cử Đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ đánh giá thực trạng, chuẩn bị thủ tục bàn giao và đóng gói cổ vật tượng đồng nữ thần Durga từ Anh về Việt Nam.

ec87471311cbb295ebda10.jpg
Bức tượng đồng có giá trị lớn trong đời sống văn hóa của người Chăm. Ảnh: Cục DSVHVN

Tháng 2-2024, Hội đồng Nghệ thuật Vương quốc Anh - cơ quan cấp phép xuất khẩu cổ vật củaAnh đã cấp phép cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam (đơn vị được Bộ VHTTDL giao thực hiện tiếp nhận, lưu giữ, bảo quản tượng đồng), xuất khẩu tượng đồng Nữ thần Durga ra khỏi Vương quốc Anh và đưa về Việt Nam.

Đồng thời, Hội đồng Nghệ thuật Vương quốc Anh cũng đã tiến hành thẩm định, đề xuất giá trị tượng trưng của tượng đồng Nữ thần Durga là 14.184.397 bảng Anh. Ngày 18-6, tượng đồng Nữ thần Durga đã về tới Việt Nam và được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch trưng bày, giới thiệu và phát huy giá trị cổ vật.

Việc tiếp nhận tượng đồng Nữ thần Durga từ phía Hoa Kỳ và Vương quốc Anh là kết quả của quá trình hợp tác, chia sẻ các tư liệu pháp luật liên quan đến việc chống buôn bán trái phép cổ vật của Việt Nam với Hoa Kỳ, Anh. Đặc biệt từ năm 2019, khi Cục Di sản văn hóa cùng các cơ quan liên quan đã làm việc với Cục Thực thi Luật Nhập cư và Hải quan Hoa Kỳ (ICE), Cục An ninh nội địa Hoa Kỳ (HIS), thuộc Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ (DHS) về việc phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến một số cổ vật có nguồn gốc từ Việt Nam bị buôn bán trái phép vào Hoa Kỳ và thảo luận khả năng hoàn trả những cổ vật này về Việt Nam.

Đây cũng chính là kết quả từ những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết của Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa.

Tượng đồng Nữ thần Durga bốn tay là pho tượng cổ, có nguồn gốc Việt Nam, với thể khối lớn (dài 191cm, nặng 101kg), thể hiện hình tượng Nữ thần Durga của Hindu giáo, được tạo tác với khuôn mặt hình trái xoan, hai mắt nhắm hờ, sống mũi cao, miệng mím, cằm tròn, có 4 tay, chân thon, thân dưới quấn sarong dài tới cổ chân, bụng thắt dây buộc tạo hình hoa. Đây là một hiện vật quý, hiếm và càng đặc biệt hơn vì được đúc bằng đồng, có thể khối lớn, niên đại sớm và hiện trạng còn tương đối hoàn chỉnh.

Tượng đồng Nữ thần Durga có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, là tư liệu hiện vật phản ánh đời sống văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng trong lịch sử của cư dân Chăm Pa. Việc tiếp nhận cổ vật tượng đồng Nữ thần Durga về Việt Nam đã kịp thời bổ sung và xây dựng các sưu tập hoàn chỉnh để giới thiệu về tính đa dạng và thống nhất của lịch sử, văn hóa Việt Nam, phục vụ tốt hơn nhu cầu tuyên truyền, giáo dục, nhằm nâng cao tri thức lịch sử, văn hóa.