Báo chí thế giới hướng tới những cách tiếp cận mới
Bất chấp những thách thức như lạm phát, bất ổn địa chính trị và những thay đổi trong thị trường quảng cáo, nhiều người vẫn lạc quan về tương lai của báo chí.
Nhận định nói trên được đưa ra dựa trên Báo cáo về triển vọng xu hướng báo chí thế giới mới được Hiệp hội Báo chí thế giới (WAN-IFRA) thực hiện dựa trên kết quả khảo sát các thành viên và các nhà điều hành truyền thông cấp cao.
Theo đó, để bắt kịp với sự chuyển biến mới trong xu hướng đọc của độc giả, tốc độ hiện đại hóa của công nghệ, báo chí thế giới đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số với trọng tâm là phát triển các nguồn doanh thu mới và nâng cấp nền tảng trang thiết bị cũng như cơ sở hạ tầng.
Nhiều tờ báo hiện đại đang tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để củng cố hoạt động báo chí và kinh doanh, tái khẳng định vai trò của họ như một điểm đến đáng tin cậy trong các sự kiện tin tức lớn.
Tại Hội nghị thượng đỉnh truyền thông thế giới được tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) cuối năm ngoái, lãnh đạo các tập đoàn báo chí hàng đầu thế giới đều cho rằng, trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, AI đã trở thành nhân tố then chốt, định hình lại ngành truyền thông.
Ông Phó Hoa, Chủ tịch Tân Hoa Xã cho rằng, báo chí nên nắm bắt những đổi mới và thay đổi công nghệ, đồng thời tăng cường nghiên cứu và phát triển AI, điện toán đám mây và các công nghệ khác, giúp chúng phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của truyền thông.
Còn theo Phó Chủ tịch Hãng thông tấn AP Chan Yim Kuen, AI đã giải phóng các nhà báo khỏi “nhiệm vụ thuộc lòng” và cho phép họ tập trung vào các tác phẩm báo chí có ứng dụng cao hơn.
Trong khi đó, bà Sue Brooks, người đứng đầu bộ phận phát triển sản phẩm và chiến lược đại lý của Hãng thông tấn Reuters (thuộc Tập đoàn truyền thông Canada Thomson Reuters) nhận định, AI sẽ làm cho hoạt động báo chí trở nên hiệu quả hơn, giải phóng các nhà báo khỏi các bản dịch và phiên âm thông thường để họ có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc tìm hiểu những câu chuyện quan trọng nhất. Ngoài việc nâng cao hiệu suất sản xuất tác phẩm báo chí, AI còn mang lại những lợi ích từ việc tối ưu hóa phân khúc đối tượng độc giả đến những phân tích chuyên sâu hơn.
“Thomson Reuters, nhà cung cấp tin tức và công cụ dựa trên thông tin toàn cầu đã đầu tư hơn 100 triệu USD mỗi năm vào AI để khai thác công nghệ tốt hơn nhằm cải thiện dịch vụ của họ” - bà Sue Brooks cho biết.
Nhìn chung, đối với các hãng tin tức, việc sử dụng các công cụ AI tổng hợp mang lại lợi ích về năng suất và sự đổi mới. Tuy nhiên, nó cũng có nguy cơ dẫn đến những sai sót. Ngoài ra, tình trạng xâm phạm bản quyền đối với tác phẩm gốc của nhà báo cũng mang đến những quan ngại cho các cơ quan thông tấn.
Để giải quyết những thách thức này, luật pháp cần đưa ra định nghĩa rõ ràng về các danh mục AI và công bố thông tin cụ thể cho từng danh mục, đồng thời đưa ra biện pháp giải quyết hậu quả của nội dung vi phạm bản quyền do AI tạo ra.
Để tránh những rắc rối liên quan tới mặt trái của AI, lãnh đạo các nhà xuất bản và công ty công nghệ cho rằng, các cơ quan báo chí nên nâng cao trách nhiệm về tính minh bạch, nâng cao nhận thức về đạo đức nghề nghiệp cũng như tự thiết lập phương pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm của mình.
Theo nhận định của các chuyên gia báo chí, sự kiện, tin tức vẫn là yếu tố trọng tâm hàng đầu của các hãng thông tấn, mang đến cơ hội tương tác và tăng trưởng doanh thu. Áp dụng công nghệ giúp cho tin tức trở nên hấp dẫn hơn, đáp ứng nhu cầu của độc giả.
Những năm gần đây, “gói dịch vụ” đã nổi lên như một chiến lược quan trọng để tăng doanh thu cho các tập đoàn báo chí, trong đó The New York Times (NYT) được đánh giá là tờ báo dẫn đầu về vấn đề này.
“Gói dịch vụ” của NYT gồm nhiều lựa chọn với các mức giá khác nhau, thường bao gồm dịch vụ tin tức cơ bản kèm theo ứng dụng dạy nấu ăn, trò chơi và câu đố, có thể mở rộng thêm nội dung tin tức thể thao hoặc các hạng mục khác. Cách tiếp cận này giúp độc giả có thể “thay đổi không khí” khi cảm thấy nhàm chán trong lúc đọc tin tức.
Hiện nay, khoảng 38% số người mua dịch vụ của NYT đăng ký theo gói, có quyền truy cập vào nhiều sản phẩm. Việc cung cấp nhiều loại sản phẩm đi kèm và bổ sung cho dịch vụ tin tức còn có thể tăng khả năng “giữ chân” độc giả trong thời gian dài hơn.
Đáng chú ý, mặc dù quảng cáo và đăng ký mua ấn phẩm hoặc phí đọc báo trực tuyến vẫn là nguồn doanh thu chính, chiếm lần lượt 43% và 35,3% tổng doanh thu, thì các nguồn thu nhập thay thế đang trở thành một xu hướng gây chú ý, trong đó có việc tổ chức sự kiện trực tuyến vốn đã được chứng minh là chiến lược thành công cho các nhà xuất bản vì nhiều lý do. Đáng chú ý nhất là, tính linh hoạt của loại hình này cho phép thực hiện nhiều chủ đề và hình thức khác nhau, từ các cuộc thảo luận trong ngành đến các buổi dạ tiệc văn hóa hay hội thảo trực tuyến về giáo dục... Chúng thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và có thể phục vụ cho các đối tượng khác nhau.
Câu chuyện thành công của các hãng tin tức cho thấy, bên cạnh việc duy trì nội dung chất lượng cao và các tiêu chuẩn đạo đức rõ ràng, họ đều biết tận dụng sức mạnh của thương hiệu để tham gia vào những lĩnh vực mới, cho ra các loại hình tác phẩm độc đáo.
Bên cạnh đó, các phương pháp tiếp cận đổi mới, cho dù thông qua các sự kiện tương tác hay nội dung âm thanh hấp dẫn, đều giúp làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa tờ báo và độc giả. Việc các tập đoàn báo chí lớn tăng cường tổ chức sự kiện trực tuyến, thương mại điện tử, podcast và các dịch vụ đi kèm cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa các nguồn thu.