Để các chuyến bay đêm hút khách: Không riêng hãng hàng không cần nỗ lực
Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân trong dịp cao điểm hè 2024, các hãng hàng không đã nỗ lực tối ưu hóa đội tàu bay, nhân lực phục vụ, tăng cường hàng loạt chuyến bay đêm, qua đó góp phần “hạ nhiệt” giá vé.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các chuyến bay đêm chưa thực sự hấp dẫn hành khách, nhiều chuyến phải hủy. Do đó, để các chuyến bay đêm hút khách cần có sự cộng tác của các bên liên quan.
Giá vé giảm khi có bay đêm
Khoảng 2 tháng trở lại đây, trong bối cảnh thiếu máy bay trầm trọng, các hãng hàng không phải tăng tần suất khai thác tàu bay để bổ sung nhiều chuyến nội địa vào buổi đêm và sáng sớm.
Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) thông báo tăng thêm khoảng 2.000 chuyến sau 21h hằng ngày, trên các đường bay giữa Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn…
Từ ngày 10-6, Hãng hàng không Vietjet cũng tăng gần 46% số chuyến bay đêm so với thường lệ, tương đương 3.100 chuyến bay đêm trên toàn mạng bay. Như vậy, trong dịp hè này, tổng cộng Vietjet cung cấp thêm 1,4 triệu vé, tương đương mức tăng xấp xỉ 35% tải cung ứng nội địa để phục vụ khách trên các đường bay trong nước. Các chuyến bay khởi hành trong khung giờ từ sau 1h đến khoảng 2h30, tập trung chủ yếu trên các đường bay đến và đi từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Nha Trang, Hải Phòng…
Các hãng hàng không Bamboo Airways, Vietravel Airlines cũng thông báo tăng khai thác tàu bay từ 11-12 giờ lên 12,5 giờ một ngày để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.
Nỗ lực của các hãng hàng không đã góp phần “hạ nhiệt” giá vé máy bay trên nhiều đường bay trọng điểm. Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trên trang bán vé trực tuyến của các hãng hàng không trong chiều 18-6 cho thấy, mức giá vé các chuyến bay vào khung giờ thấp điểm thấp hơn đáng kể so với khung giờ đẹp.
Ví dụ, đường bay Hà Nội - Nha Trang của Vietnam Airlines ngày 27-6, bay vào các khung giờ đẹp sẽ có giá vé 3.400.000-4.300.000 đồng/chặng, nhưng nếu chọn bay chuyến sớm (khởi hành lúc 5h55 phút) giá chỉ 2.588.000 đồng/chặng. Thậm chí hành khách chỉ phải trả 2.100.000 đồng nếu chọn khởi hành lúc 21h.
Với đường bay Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh của Vietjet vào ngày 5-7, mức giá thấp nhất khoảng 2.000.000 đồng/chặng (đã bao gồm thuế, phí) nếu bay vào giờ đẹp. Trong khi chọn bay đêm (khởi hành lúc 2h15), giá vé chỉ hơn 1.600.000 đồng/chặng. Chuyến bay khởi hành lúc 23h10 thậm chí giá vé còn thấp hơn với mức 1.545.000 đồng/chặng (các mức giá nói trên đã bao gồm thuế, phí).
Chưa thực sự hấp dẫn hành khách
Cả tháng nay, chị Phạm Phương Thùy (ở quận Nam Từ Liêm) đã bỏ nhiều công sức “săn” vé máy bay nhưng sau đó đã quyết định chọn phương tiện di chuyển là tàu hỏa cho chuyến du lịch vào Quảng Bình cuối tháng 6-2024. “Vé đến các vùng du lịch trọng điểm như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… đều khá cao. Chọn bay đêm tuy có rẻ hơn nhưng lại không phù hợp vì khi đến nơi, phải 14h hằng ngày mới được nhận phòng khách sạn. Bay đêm lại phải vạ vật chờ đợi, mệt càng thêm mệt”, chị Thùy nói thêm.
Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, trong tháng 5-2024, hãng đã phải hủy 10% chuyến bay đêm do không có khách. Điều này khiến doanh nghiệp mất đi sự chủ động trong việc khai thác các chuyến bay cho giai đoạn cao điểm sắp tới.
Lý do khách hàng chưa sẵn sàng bay đêm, theo ông Lê Hồng Hà, là vấn đề cung - cầu của thị trường. Khách hàng lo ngại có thể mất thêm một đêm lưu trú khi chính sách nhận/trả phòng của các khách sạn chưa linh hoạt. Đồng thời, các phương tiện công cộng khác phục vụ nhu cầu di chuyển ban đêm cũng chưa thuận lợi.
Đồng quan điểm bay đêm rất khó có khách, Chủ tịch Vietravel và Vietravel Airlines (hai doanh nghiệp trong lĩnh vực lữ hành, hàng không) Nguyễn Quốc Kỳ nhận định, bay đêm chỉ phù hợp với dịp cao điểm Tết để phục vụ người dân về quê hoặc mô hình các chuyến bay charter (thuê bao nguyên chuyến) tới các địa điểm xa, thời gian bay dài. Trong trường hợp du lịch nước ngoài, bay đêm sẽ giúp du khách tiết kiệm được chi phí khách sạn đêm đầu tiên. “Chi phí vận hành hàng không rất lớn, triển khai các chuyến bay đêm mà không có khách cũng là triệt tiêu sinh lực của các hãng hàng không”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.
Để các chuyến bay đêm đạt hiệu quả kinh tế và du khách có thể tận dụng được giá vé rẻ của ngành Hàng không, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho rằng, hai ngành Hàng không và Du lịch cần bắt tay nhau để có các chương trình, chính sách bay đêm. Hiện Vietnam Airlines đang làm việc cùng các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sungroup... thiết kế tour du lịch kết hợp bay đêm, có tính đến việc giảm 50% hoặc miễn phí khách sạn đêm đầu tiên cho du khách. Cũng có ý kiến đề xuất, các doanh nghiệp khách sạn cần xây dựng chính sách đa dạng các khung giờ nhận/trả phòng để khuyến khích du khách bay đi và về vào khung giờ thấp điểm. Bản thân các địa phương cũng cần chung tay, thiết kế các tour, sản phẩm du lịch phù hợp để khuyến khích hành khách lựa chọn bay đêm trên các đường bay nội địa.