Tạo đột phá để Thủ đô phát triển
Hôm nay (20-6), hai đồ án về quy hoạch của Thủ đô sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường.
Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tại cùng một kỳ họp sẽ góp phần tạo bước đột phá lớn để Thủ đô phát triển. Đây là lần đầu tiên một quy hoạch của địa phương được cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội cho ý kiến đóng góp. Điều này hướng đến sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Trên tinh thần đó, Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô phải thể chế hóa đầy đủ các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với 8 nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ đô Hà Nội cần triển khai thực hiện.
Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội. Vì vậy việc tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, chuyên gia,... để hoàn thiện quy hoạch, đặc biệt là những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu Quốc hội rất cần thiết. Các ý kiến đóng góp lần này cần đánh giá cụ thể các hạn chế, bất cập trong cả Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó có tư duy đổi mới, giải pháp đột phá, chiến lược gắn với lộ trình ưu tiên thực hiện. Đồng thời, cần đưa ra các giải pháp thực hiện Quy hoạch gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và năng lực thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô.
Một điểm nữa cần chú ý, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô là quy hoạch cụ thể hóa, chi tiết hơn Quy hoạch Thủ đô. Vì thế, các góp ý cần bám sát quan điểm việc điều chỉnh phải thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Trong chương trình phiên họp thứ 34 diễn ra ngày 11-6 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, với khẳng định tất cả các nội dung trên được xây dựng công phu, khoa học, thể hiện được tầm nhìn, khát vọng xây dựng Thủ đô phát triển bền vững trong tương lai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận 8 nhóm nội dung cụ thể của Quy hoạch và Đồ án trên cơ sở báo cáo cho ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Cùng với Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô có vai trò quan trọng nhằm tạo lập không gian phát triển mới, động lực mới và giá trị mới để xây dựng Thủ đô trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn. Việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) và đóng góp các ý kiến tâm huyết vào Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô tại kỳ họp thứ bảy này sẽ góp phần giúp Thủ đô ngày càng phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực có sức lan tỏa hơn. Đồng thời, đây là tiền đề để Hà Nội góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.