Trình Quốc hội xem xét ba luật về đất đai, bất động sản có hiệu lực từ ngày 1-8-2024
Việc sửa đổi hiệu lực của các luật sớm hơn 5 tháng sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành, nhất là các văn bản do các địa phương ban hành.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, chiều 19-6, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Đề xuất ba luật về đất đai, bất động sản có hiệu lực từ 1-8
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, tiếp thu ý kiến trong quá trình thẩm tra, kèm theo tờ trình Chính phủ đã có phụ lục về tổng hợp các điểm mới có lợi cho người dân và doanh nghiệp quy định trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Kèm theo tờ trình còn có phụ lục về tiến độ xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành 3 luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.
Tại Tờ trình, Chính phủ đề xuất cho phép ba luật liên quan tới thị trường bất động sản gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1-8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định. Cùng đó, 2 khoản của Điều 200 và Điều 210 của Luật Các tổ chức tín dụng cũng được đề nghị có hiệu lực sớm từ 1-8.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, với các quy định chuyển tiếp tại Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá tác động vướng mắc có thể phát sinh, gồm doanh nghiệp đang làm dự án đầu tư có sử dụng đất. Việc này cũng nhằm đưa ra phương án phù hợp để thể chế hóa trong luật, đảm bảo không gây khó khăn, vướng mắc cho quản lý đất đai, nhà ở, thị trường bất động sản, cũng như quyền lợi của tổ chức, cá nhân khi tham gia thị trường này.
Việc cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn sẽ khắc phục tồn tại trong định giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, vốn là nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm. Việc này cũng tạo hành lang pháp lý, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển và đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội. Về phía doanh nghiệp, người dân, họ được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.
Chỉ có 1/16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai được ban hành
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta, khắc phục hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây. Đồng thời, có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
“Việc Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Ủy ban Kinh tế ủng hộ chủ trương để các luật trên sớm đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung cần văn bản hướng dẫn chi tiết, đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức, thực thi các luật, bảo đảm hiệu quả triển khai các luật này khi các luật có hiệu lực thi hành.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ tính toán kỹ thời điểm điều chỉnh hiệu lực sớm và thời gian sớm bao nhiêu trên cơ sở xem xét hết sức thận trọng 2 khía cạnh. Cụ thể, tính cấp bách, cấp thiết của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của Luật từ ngày 1-8-2024. Mức độ đáp ứng của các điều kiện bảo đảm thi hành Luật trong trường hợp Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2024. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc luật có hiệu lực sớm khi chưa ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết. Có ý kiến đề nghị không điều chỉnh thời gian hiệu lực của các Luật.
Về điều kiện bảo đảm thi hành luật, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đối với văn bản quy định chi tiết do cơ quan Trung ương ban hành, đến ngày 18-6-2024 mới chỉ có 1/16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai được ban hành; 7 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở và 4 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản đều chưa được ban hành. Bên cạnh đó, Luật Đất đai cũng sửa đổi một số điều, khoản của các luật khác có liên quan và theo đó có 2 nội dung cần hướng dẫn cũng chưa được ban hành, đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc sửa đổi hiệu lực của các luật sớm hơn 5 tháng sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành, nhất là các văn bản do các địa phương ban hành. Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai thi hành luật tại các địa phương.
Một số địa phương quan ngại về việc chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn khi luật có hiệu lực sớm; một số địa phương đề nghị giữ nguyên hiệu lực của luật. Trường hợp các địa phương không thể hoàn thành các văn bản hướng dẫn có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thi hành luật, nhất là Luật Đất đai, do có nhiều nội dung quan trọng đã được phân cấp cho chính quyền địa phương, như quy định các tiêu chí để quyết định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương quy định tại Khoản 1 Điều 126…
Trên tinh thần đó, đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả, tiến độ soạn thảo và ban hành trên thực tế các văn bản của địa phương, làm rõ ngoài những văn bản mà theo yêu cầu của các luật còn có những văn bản nào khác mà các địa phương phải ban hành căn cứ vào các quyết định, nghị định, thông tư sắp được ban hành, làm rõ tác động và giải pháp xử lý, bảo đảm hiệu lực của văn bản và hiệu quả thi hành luật; dự báo khó khăn, vướng mắc và khả năng khiếu kiện của nhà đầu tư, người dân trong trường hợp chậm ban hành hoặc chất lượng chưa bảo đảm đối với các văn bản để có giải pháp phù hợp.