Đối ngoại

Ngoại giao nhân dân “giữ lửa” tình hữu nghị Việt Nam - Nga

Hoàng Linh (ghi) 18/06/2024 16:11

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19 đến 20-6, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi đã chia sẻ với báo chí về ý nghĩa và những kỳ vọng đối với chuyến thăm.

dmk_1.jpg
Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi.

- Xin Đại sứ cho biết tầm quan trọng và ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga, cũng như trong việc hiện thực hóa Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia đến năm 2030?

- Chuyến thăm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga trên tất cả các lĩnh vực và nâng tầm lên trong tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực hiện thực hóa Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030. Chuyến thăm cũng thể hiện sự coi trọng và cam kết của Nga đối với mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, đồng thời thể hiện Việt Nam tích cực thực hiện đường lối đối ngoại theo tinh thần độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, và đóng góp vào hòa bình, ổn định trên thế giới. Điều này góp phần củng cố tình hữu nghị và sự tin cậy lẫn nhau, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của quan hệ hai nước trong tương lai.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận và định hướng cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030, xác định rõ hơn các lĩnh vực hợp tác trọng điểm. Chuyến thăm này còn là cơ hội để cả hai bên ký kết và triển khai các thỏa thuận hợp tác mới, tạo động lực thúc đẩy quan hệ song phương. Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Nga càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Việc Tổng thống Vladimir Putin thăm Việt Nam còn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia, góp phần nâng cao vị thế của cả hai nước trên trường quốc tế, vì lợi ích chung của cả hai dân tộc và vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

- Năm 2024 đánh dấu 30 năm hai bên ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nga và 20 năm hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, xin Đại sứ đánh giá những điểm nhấn trong quan hệ song phương thời gian qua.

- Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30-1-1950 đến nay, mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và Nga hiện nay luôn vững bền theo năm tháng và ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Quan hệ Việt Nam - Nga ngày nay kế thừa quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Liên Xô trong quá khứ, được xây dựng và củng cố qua nhiều thập kỷ, dựa trên nền tảng của sự tin cậy, hợp tác bền vững và sự tôn trọng lẫn nhau.

Nhằm tạo khuôn khổ pháp lý mới cho quan hệ giữa Việt Nam và Nga, năm 1994, hai nước đã ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, trong đó, khẳng định quan hệ hữu nghị giữa hai nước được xây dựng trên các nguyên tắc tôn trọng độc lập và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi dựa trên luật pháp quốc tế. Nhìn lại 30 năm qua, Việt Nam và Nga đã từng bước đưa quan hệ song phương lên các cấp từ Đối tác chiến lược đến Đối tác chiến lược toàn diện.

Quan hệ chính trị có độ tin cậy cao, thông qua các hình thức và cơ chế hợp tác chính trị đa dạng. Hai bên đã thiết lập và triển khai hiệu quả nhiều cơ chế, góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác mọi mặt giữa hai nước. Việt Nam và Nga luôn ủng hộ và hợp tác chặt chẽ trong các tổ chức quốc tế và khu vực.

Hợp tác kinh tế - thương mại phát triển tích cực, có những giai đoạn kim ngạch song phương tăng từ 10 - 15%/năm, là kết quả của việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu. Nga đã có gần 200 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn gần 1 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam tại Nga tăng mạnh, lên mức 3 tỷ USD vào năm 2023.

Hợp tác song phương trong các lĩnh vực như khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch, địa phương... ngày càng được mở rộng.

Hàng chục nghìn cán bộ khoa học, kỹ sư và công nhân kỹ thuật được đào tạo tại Liên bang Nga đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam và là nhân tố tạo cầu nối hữu nghị cho nhân dân hai nước. Các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên góp phần tăng thêm sự hiểu biết giữa hai dân tộc và tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực khác. Liên bang Nga cũng luôn duy trì là một trong những thị trường khách du lịch hàng đầu của Việt Nam.

Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và kỹ thuật quân sự giữa hai nước là lĩnh vực truyền thống và không ngừng phát triển trên cơ sở đối tác tin cậy, phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

- Theo Đại sứ, yếu tố văn hóa có ý nghĩa thế nào đối với tình hữu nghị Việt - Nga? Hợp tác văn hóa đã và đang được thúc đẩy ra sao trong dòng chảy hợp tác chung giữa hai nước, thưa Đại sứ?

- Các hoạt động giao lưu văn hóa đóng góp không nhỏ vào việc tạo dựng mối quan hệ bền chặt và gắn kết giữa nhân dân hai nước. Trong những năm qua, hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Nga đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Các tuần lễ văn hóa Nga tại Việt Nam và Việt Nam tại Nga đã trở thành những sự kiện thường niên, thu hút đông đảo sự quan tâm và tham gia của công chúng.

Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy giao lưu văn hóa. Nhiều sinh viên Việt Nam đã và đang học tập tại Nga, đồng thời, các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên giữa hai nước cũng được đẩy mạnh. Những thế hệ trẻ này là những cầu nối quan trọng trong việc duy trì và phát triển tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Du lịch cũng là một lĩnh vực hợp tác văn hóa đầy tiềm năng. Các tour du lịch văn hóa, lịch sử ngày càng được ưa chuộng, góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự hiểu biết và gắn kết giữa hai dân tộc.

- Thời gian qua, dù đứng trước không ít khó khăn nhưng với quyết tâm và nỗ lực của doanh nghiệp hai nước, kim ngạch thương mại năm 2023 vẫn đạt con số ấn tượng. Đại sứ đánh giá thế nào về tiềm năng hợp tác kinh tế thời gian tới?

- Năm 2012, Việt Nam và Liên bang Nga đã xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Năm 2015, Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu đã ký Hiệp định thương mại tự do (VN - EAEU FTA). Sau khi Hiệp định VN - EAEU FTA có hiệu lực từ tháng 10-2016, thương mại song phương Việt Nam - Nga phát triển nhanh, đạt kim ngạch 5,5 tỷ USD vào năm 2021, tăng 90% so với năm 2016.

Tuy nhiên, khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, tình hình chính trị - kinh tế trên thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực tới hợp tác kinh tế - thương mại. Cùng với sự nỗ lực chung, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga đã có sự hồi phục rõ rệt. Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 3,6% so với năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiều nhóm hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản, may mặc, thiết bị máy móc tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao sang thị trường Nga. Ngược lại, ta cũng tăng nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như than đá, phân bón, hóa chất, thực phẩm… phục vụ sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Về đầu tư, tính đến hết tháng 5-2024, Liên bang Nga có 186 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1 tỷ USD; trong khi đó, Việt Nam có khoảng 25 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD. Ngoài dầu khí, hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực khác như chế biến thực phẩm, sản xuất - lắp ráp ô tô… cũng từng bước phát triển.

Thời gian qua, Việt Nam và Nga cũng từng bước nối lại hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác bị gián đoạn từ sau bùng phát đại dịch Covid-19. Từ tháng 8-2023, công dân Việt Nam đã có thể xin visa điện tử vào Nga với quy trình đơn giản, thuận tiện; trong khi đó, từ ngày 15-8-2023, du khách Nga có thể lưu trú tại Việt Nam đến 45 ngày miễn visa. Đây là thuận lợi để các doanh nghiệp hai nước hồi phục và thúc đẩy hợp tác du lịch - thương mại thời gian tới.

Chúng tôi đề nghị, các doanh nghiệp hai nước tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành tại Nga và Việt Nam, tìm hiểu thị trường, tìm khách hàng, thiết lập quan hệ kinh doanh - đầu tư.

- Qua nhiều thế hệ, người dân Việt Nam và người dân Liên Xô trước đây và Nga hiện nay luôn dành cho nhau những tình cảm đặc biệt, hiếm có. Giao lưu nhân dân, vì vậy, cần được thúc đẩy như thế nào để “giữ lửa” tình hữu nghị Việt - Nga, thưa Đại sứ?

- Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây và Nga ngày nay luôn không ngừng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước củng cố và vun đắp. Nhân dân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ và biết ơn sự giúp đỡ quý báu, chí tình của nhân dân Liên Xô và Liên bang Nga trong cả giai đoạn kháng chiến và xây dựng đất nước sau này.

Để “giữ lửa” tình hữu nghị Việt - Nga, việc thúc đẩy giao lưu nhân dân là vô cùng cần thiết. Trước hết, cần đẩy mạnh các chương trình trao đổi và giao lưu văn hóa. Các hoạt động giao lưu giữa các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hai nước, cần được tổ chức thường xuyên và quy mô hơn, tạo ra không gian để các thế hệ người dân hai nước gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và hiểu biết lẫn nhau, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tình hữu nghị Việt - Nga, góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa hai quốc gia, hai dân tộc.

Tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân thông qua các hội thảo, diễn đàn, và các chương trình hợp tác xã hội cũng rất cần thiết, nhằm tạo ra không gian để người dân hai nước gặp gỡ, trao đổi ý tưởng, và hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau. Tôi cho rằng, công nghệ và mạng xã hội cũng có thể được tận dụng để thúc đẩy giao lưu nhân dân.

Chúng ta cần tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển mối tình hữu nghị đặc biệt này bằng tất cả tâm huyết và nỗ lực.

- Theo Đại sứ, cần làm gì để phát huy và thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực như giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ?

- Trước tiên, cần khẳng định, hợp tác khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo giữa hai nước thời gian qua là rất hiệu quả, ngày càng đa dạng, thực chất và là những cơ sở quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Để phát triển hợp tác khoa học - công nghệ với Liên bang Nga, thời gian tới, cần quan tâm triển khai các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu chung trong các lĩnh vực Nga có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu. Hai nước cần có chính sách và dành nguồn lực tài chính thích đáng đầu tư cho các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu chung, đồng thời, tăng cường trao đổi đoàn, trao đổi cán bộ khoa học, kết nối mạng lưới hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu, đào tạo…

Để phát huy hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, hai nước đang khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý, sớm ký mới Hiệp định về hợp tác giáo dục thay thế Hiệp định ký năm 2005, Hiệp định về thành lập và hoạt động của Trung tâm Pushkin; gia hạn Hiệp định đào tạo công dân Việt Nam tại Nga đến năm 2030…

Đối với việc đào tạo nguồn nhân lực tại Nga diện Hiệp định, chúng ta cần ưu tiên cử sinh viên đi đào tạo các khối ngành kỹ thuật, khoa học ứng dụng, công nghệ tài chính; phối hợp giữa các bộ liên quan để tăng số lượng học bổng cho các ngành Y và các ngành đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Để thu hút công dân Việt Nam sang học tập tại Nga, cần thúc đẩy công tác tuyên truyền về nền giáo dục và các trường đại học Nga tại các địa phương ở Việt Nam, mở rộng đối tượng tuyển sinh nhằm tăng cơ hội nhận học bổng cho học sinh Việt Nam trên toàn quốc.

Về phía Nga, nên có chính sách tạo điều kiện để sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp có thời gian tìm kiếm cơ hội việc làm ngay tại Nga để bù đắp tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như thiếu hụt lao động ngày càng tăng.

- Xin cảm ơn Đại sứ!