Podcast giúp hồi sinh những bộ phim truyền hình Mỹ kinh điển
Seinfeld”, "Friends", "The Sopranos", "The Simpsons", "The Office" là loạt phim truyền hình ăn khách của Mỹ những năm 1990 và 2000. Sau 20 - 30 năm, những bộ phim truyền hình này lại gây tiếng vang, nhưng không phải qua màn hình TV, mà nhờ podcast.
Hào quang trở lại
Theo tờ Business Insider (Mỹ), trong vài năm qua, nhiều podcast phân tích từng tập các bộ phim truyền hình nổi tiếng một thời đã gặt hái được thành công trực tuyến. Anh Vik Singh, người dẫn chương trình “Poda Bing”, một podcast có nội dung về “The Sopranos”, cho biết loạt phim HBO mang tính biểu tượng chiếu từ năm 1999 - 2007 này vẫn gây được tiếng vang với người hâm mộ bởi nó đề cập đến các chủ đề muôn thuở như gia đình, tội phạm và các vấn đề ở văn phòng. Singh cho biết “Poda Bing” thu hút số lượt tải xuống lên tới sáu con số mỗi tháng.
Hai người bạn thân ngoài đời đồng thời là cựu diễn viên phim “The Office” được chiếu từ năm 2005 đến 2013 là Angela Kinsey cùng Jenna Fischer đã dẫn “Office Ladies”. Đây là podcast mà họ tóm tắt lại từng tập của bộ phim. Mỗi tuần, họ tập trung vào một tập của “The Office”, kể những câu chuyện hậu trường và phỏng vấn các thành viên trong dàn diễn viên cũng như đoàn làm phim.
Cô Kinsey chia sẻ với tờ New York Times: “Chúng tôi nghĩ đây là cơ hội tuyệt vời để ôn lại những kỷ niệm, khoảnh khắc hậu trường và chia sẻ với người hâm mộ”. Trong mỗi tập của “Office Ladies”, Fischer và Kinsey cũng tiết lộ cho người hâm mộ những sự thật thú vị ít được biết đến về bộ phim sitcom được yêu thích, ví dụ như Kinsey ban đầu ứng tuyển để vào vai Pam Beesly, nhưng vai diễn này sau đó lại về tay Fischer.
Jon Gabrus, người đồng dẫn podcast “Raised by TV” chuyên ôn lại các chương trình truyền hình cũ, chia sẻ: “Sức mạnh thực sự của hoài niệm là cảm giác du hành thời gian khi xem lại các chương trình cũ”. Chương trình podcast “Raised by TV” đã thu về trên 3 triệu lượt tải kể từ khi ra mắt cách đây 2 năm.
Yếu tố thành công
Podcast mang đến một góc tiếp cận đặc biệt để người hâm mộ tương tác với các chương trình truyền hình yêu thích. Tương tác qua âm thanh giúp tăng thêm mức độ gần gũi. Giống như việc sôi nổi kể lại nội dung các tập phim truyền hình với bạn bè khi chúng ta còn là học sinh trên ghế nhà trường.
Cô Allie Goertz, người đồng dẫn chương trình “Everything’s Coming Up Simpsons”, tập trung vào bộ phim hoạt hình chiếu từ năm 1989 đến nay, phân tích: “Podcast tạo điều kiện để bạn nghe câu chuyện cười trong bộ phim. Có điều gì đó khác biệt khi hồi tưởng lại cảnh phim qua việc nghe từ một người hâm mộ khác. Nó giống như trải nghiệm được chia sẻ vậy”.
Bob Mackey, người đồng dẫn chương trình “Talking Simpsons”, cho biết podcast rất lý tưởng vì người hâm mộ có thể nghe ở bất cứ đâu. Ông phân tích: “Bạn có thể nghe podcast khi tắm, làm vườn, trong lúc rửa bát, khi làm việc”. Cả Mackey và Goertz đều đánh giá rằng điều khiến “The Simpsons” trở thành một chương trình tuyệt vời để thực hiện podcast không phải bởi số lượng tập khổng lồ mà vì những câu chuyện cười của loạt phim này rất phong phú.
Về cơ bản, podcast giúp họ tìm hiểu và phân tích những câu chuyện cười mà có thể họ không hiểu khi xem lần đầu tiên cách đây hai thập niên. Goertz cho biết, điều khiến cô đặc biệt hài lòng là có thể mời nhà sản xuất “The Simpsons” là Josh Weinstein và Bill Oakley tham gia podcast để giúp phân tích các tập phim cũ.
Ông Oakley đánh giá rất cao podcast này bởi cho rằng nó giúp các nhà biên kịch nhận được phản hồi mà họ không thể tìm thấy cách đây nhiều thập niên. Ông cho biết, khi internet chưa phát triển như hiện nay, các tờ tạp chí chỉ bình luận về bộ phim một lần trong năm, nếu may mắn. Ông Oakley bổ sung: “Bạn phát sóng những tập phim này và chưa bao giờ nhận được bất kỳ phản hồi nào. Nhiều năm sau đó, thật thú vị khi thấy mọi người rất thích chúng và thực sự hào hứng khi được tương tác với những khán giả đã xem hoặc nhìn nhận bộ phim theo một cách khác vì họ còn rất trẻ”.
Ngoài ra, còn có một lý do khác khiến ông Oakley yêu thích podcast về “The Simpsons”. “Trước đây, trước cuộc cách mạng podcast này, không có ai thực sự quan tâm đến việc nói chuyện dài dòng với các biên kịch truyền hình về bất cứ điều gì”, ông Oakley nói và cười.
Từ quan điểm kinh doanh, dòng podcast hoài cổ này đã giúp người dẫn chương trình gặt hái thành công về tài chính. Ví dụ, ông Mackey sống nhờ vào “Talking Simpsons” bằng thu về gần 13.000 USD hằng tháng từ nền tảng Patreon, chuyên cung cấp các công cụ kinh doanh cho người sáng tạo nội dung. Goertz cho biết podcast “Everything’s Coming Up Simpsons” đã giúp cô có được công việc làm biên tập viên tại tạp chí truyện tranh hài Mad và sau đó tạo bệ phóng cho cô đến với công việc mới là làm biên kịch cho loạt phim hoạt hình hài hước. Goertz nói cô thực sự biết ơn “The Simpsons”.
Tuy nhiên, lợi ích về tiền bạc dường như chỉ là thứ yếu đối với những người sáng tạo nội dung này. Mallory Long có podcast “Best Of Friends” chuyên về bộ phim truyền hình “Friends” và đã thu hút hơn 4 triệu lượt tải xuống kể từ năm 2015. Long cho biết mục đích chủ yếu là kết nối với người hâm mộ. Cô nói: “Chúng tôi chưa bao giờ đặt mục tiêu kiếm tiền từ nó. Chúng tôi thực sự chỉ làm điều này cho vui thôi”.
Không chỉ có podcast, các dịch vụ chiếu phim trực tuyến cũng vào cuộc đưa các bộ phim truyền hình kinh điển một thời đến với người hôm mộ trẻ ngày nay. Hulu đã phát đủ 9 mùa phim “Seinfeld” từ cách đây vài năm. “Friends” đã trở thành một sản phẩm chủ lực của Netflix kể từ khi ra mắt trên dịch vụ này vào năm 2015