Xã hội

Ngăn chặn tội phạm từ sớm, từ xa

Chu Dũng 18/06/2024 - 06:41

Thời gian qua, trên địa bàn Thủ đô xảy ra không ít vụ việc gây rối trật tự công cộng, phạm pháp hình sự liên quan đến thanh, thiếu niên.

Trong đó có những vụ việc hết sức đau lòng khi đối tượng vi phạm ở lứa tuổi học trò. Trước thực tế này, Công an thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với mục tiêu ngăn chặn mầm phạm tội từ sớm, từ xa...

cong-an-quan-ha-dong-tuyen-.jpg
Công an quận Hà Đông tuyên truyền pháp luật cho học sinh. Ảnh: Hiệp Dương

Xu hướng tội phạm ngày càng trẻ hóa

Gần đây nhất, khoảng 1h ngày 12-6, tại khu vực trước cửa số nhà 790 đường Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa) xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến 3 thiếu niên tử vong. Dù là vụ tai nạn giao thông nhưng theo thông tin trên mạng xã hội, vào thời điểm đó, tại đường Trường Chinh xảy ra vụ ẩu đả. Sau đó, các đối tượng chia thành hai tốp đuổi nhau theo hướng đường Láng… Nhận định vụ việc có dấu hiệu hình sự, Công an thành phố Hà Nội đang vào cuộc điều tra làm rõ, tạm giữ hình sự 25 đối tượng.

Công an huyện Chương Mỹ cũng vừa ra quyết định khởi tố 9 đối tượng tuổi học trò về hành vi gây rối trật tự công cộng. Theo điều tra, xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội, nhóm thanh, thiếu niên cùng ở xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) đã tụ tập mang theo hung khí tìm nhóm thanh niên xã bên cạnh để đánh nhau. Trong quá trình di chuyển trên quốc lộ 6, nhóm đã gây náo loạn…

Thượng tá Đào Trung Hiếu, cán bộ Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) cho biết, xu hướng tội phạm ngày càng trẻ hóa đã được cảnh báo; không chỉ là nỗi đau của gia đình có con em phạm tội, mà còn gây ra những hệ lụy to lớn cho xã hội.

Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng đau lòng này là do ngoại cảnh. Vì mải mưu sinh, sự quan tâm của các bậc phụ huynh đối với con cái không được như trước. Thực tế này đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc để có những giải pháp đồng bộ trong giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn.

Định hướng nếp sống lành mạnh

Theo thống kê, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn quận Hà Đông xảy ra 23 vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến thanh, thiếu niên, với 68 trường hợp đang là học sinh. Trong các vụ việc này, vi phạm chủ yếu là do nhận thức của các em còn hạn chế, thay đổi tâm sinh lý của lứa tuổi, ảnh hưởng của phim ảnh bạo lực và những mặt trái của mạng xã hội… Với quyết tâm ngăn chặn mầm tội phạm từ trứng nước, Công an quận Hà Đông đã tổ chức gặp gỡ, lắng nghe và trao đổi với hơn 300 thanh, thiếu niên và nhiều trẻ em từng có quá khứ lầm lỗi, có nguy cơ vi phạm pháp luật.

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông, không chỉ gia đình, nhà trường, lực lượng công an mà toàn xã hội cần mở lòng bao dung với các thanh, thiếu niên còn bồng bột, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để phòng vệ với cái xấu.

Chung quan điểm này, Trưởng phòng Pháp luật hành chính - hình sự, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp Hà Nội) Trần Kim Dung cho rằng, cần trang bị kiến thức pháp luật quy định về việc chịu trách nhiệm hình sự cho người dưới 16 tuổi. Từ đó, tự thân các em phải luôn suy nghĩ rằng, không được vi phạm pháp luật; không được nghe đối tượng xấu rủ rê phạm tội vì cho rằng chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự…

Tương tự, Đại tá Nguyễn Thành Trung, Trưởng Công an huyện Chương Mỹ cũng khẳng định, để góp phần ngăn chặn việc học sinh tham gia các hội nhóm hư hỏng, tụ tập đánh nhau, gây rối và phạm pháp, đơn vị đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền phòng, chống vi phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên và triển khai mô hình “Cổng trường an toàn về an ninh trật tự”. Theo đó, đơn vị đã huy động lực lượng công an, bảo vệ dân phố, đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh cùng vào cuộc với gia đình, chung tay định hướng nếp sống đẹp, suy nghĩ đẹp cho học sinh.

Vào năm 2022, trong một lần thách thức trên Facebook, B.C.Đ (sinh năm 2007, phường Phú Lương, quận Hà Đông) đã rủ thêm 26 bạn mang theo hung khí để đi đánh nhau. Sau vụ việc, cả hai nhóm gồm 48 người đã bị xét xử về tội gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích… Đến nay, B.C.Đ đã trở về với cộng đồng, tiếp tục đi học. Lấy chính câu chuyện của mình làm bài học, B.C.Đ cho biết, các bạn trẻ cần hiểu rằng, tuổi trẻ cần phấn đấu, học tập. Đừng vì chuyện “con gà tức nhau tiếng gáy” mà rủ rê bạn bè vi phạm pháp luật.

Công an thành phố Hà Nội thông tin, có những trường hợp sau khi vi phạm pháp luật bị tòa kết án phải nghỉ học, nay tha thiết mong được đi học trở lại đều được đáp ứng nguyện vọng chính đáng. Không chỉ gia đình, nhà trường, lực lượng công an mà rất cần các cấp chính quyền, đoàn thể quan tâm, sẵn sàng tiếp nhận, giúp các em được học hành, có nghề nghiệp ổn định trong tương lai.

Về phần mình, cơ quan công an luôn gửi gắm thông điệp mong các bậc phụ huynh thật sự quan tâm tới con, em mình. Hãy kịp thời nắm bắt tâm sinh lý, các biểu hiện bất thường, chia sẻ để lực lượng công an, chính quyền cơ sở quan tâm “nắn lại suy nghĩ, định lại con đường” đúng cho các em bởi chỉ một phút lơ là, tương lai phía trước sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.