Giữ an toàn cho bếp ăn khu công nghiệp
An toàn thực phẩm tại các bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất không chỉ có vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe của người lao động mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chính vì vậy, trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp.
Tập trung truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện ngành Y tế Thủ đô quản lý hơn 41 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, trong đó có hơn 5.100 bếp ăn tập thể khu công nghiệp và khu chế xuất. Để tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm, năm 2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) đã thành lập các đoàn kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 96 bếp ăn tập thể của 4 khu công nghiệp, 5 cụm công nghiệp trên địa bàn.
Kết quả, các đoàn kiểm tra đã truy xuất nguồn gốc thực phẩm của 29 nhà cung cấp rau, củ, quả, giò chả, bún, bánh phở, đậu phụ, thịt lợn và gia súc, gia cầm. Trong đó, một số đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả, bún và bánh phở) chưa chứng minh được nguồn gốc đến tận vùng trồng trọt. Nguồn gốc chỉ thể hiện được trên hóa đơn, chứng từ…
Ngoài ra, các đoàn kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm nhanh 474/548 mẫu (tỷ lệ đạt 86,5%); đồng thời lấy mẫu xét nghiệm tại labo 110 mẫu (gồm mẫu nước chế biến, nước uống đóng chai, thức ăn, rau các loại, thớt thái thực phẩm chín và bàn tay người chế biến), trong đó có 107 mẫu đạt (chiếm tỷ lệ 97,3%) và 3 mẫu không đạt chỉ số vi sinh nhiễm vi khuẩn gây bệnh (chiếm 2,7%).
Trong quá trình triển khai, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đánh giá, các doanh nghiệp còn chưa thực hiện thường xuyên công tác truy xuất nguồn gốc định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm cung cấp nguyên liệu cho bếp ăn tập thể. Biên bản giám sát thực phẩm, giám sát kiểm thực 3 bước hằng ngày (gồm kiểm tra nguồn nguyên liệu, thực phẩm được nhập vào trước khi chế biến; kiểm tra trong quá trình chế biến và kiểm tra trước khi ăn) còn chưa đầy đủ. Thậm chí, tại một số bếp ăn, trang thiết bị và dụng cụ ăn uống còn chưa bảo đảm sạch sẽ, cơ sở vật chất bắt đầu xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa kịp thời…
Trước thực tế trên, năm nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở, lãnh đạo quản lý và người tham gia chế biến thực phẩm.
Ngay trong tháng 6-2024, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức hội nghị hướng dẫn công tác an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể khu công nghiệp và chế xuất. Tại hội nghị, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Lê Thị Hằng cho biết, ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của kinh tế - xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến cá nhân người lao động và gia đình của họ. Cụ thể, ngộ độc thực phẩm gây nhiều tốn kém, như: Chi phí nằm viện, chi phí thuốc, chi phí phục hồi sức khỏe…
Hơn nữa, khi người lao động bị ảnh hưởng về sức khỏe sẽ dẫn tới nguy cơ thất thoát thu nhập, mất việc làm, xáo trộn đến đời sống và sinh hoạt trong gia đình. Không chỉ vậy, ngộ độc thực phẩm cũng gây tổn thất cho ngân sách nhà nước về các chi phí điều tra, xét nghiệm nguyên nhân gây ra ngộ độc...
Đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm
Nhận thức rõ vấn đề mất an toàn thực phẩm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người lao động, ông Vũ Trần Oánh, đại diện các khu công nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho rằng, lực lượng chức năng liên ngành cần tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, qua đó giúp doanh nghiệp giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể tốt hơn. Cùng với đó, những người tham gia cung cấp thực phẩm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất phải tuân thủ các quy định về nhập hàng hóa, chế biến thực phẩm bảo đảm sức khỏe cho người lao động.
Theo Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể và các phòng, ban liên quan cần tăng cường công tác tự kiểm thực 3 bước hằng ngày, kiểm tra định kỳ, đột xuất về chất lượng thực phẩm; duy trì chế độ kiểm tra chất lượng nguồn nước thường xuyên; tăng cường chế độ vệ sinh cơ sở, chế độ vệ sinh dụng cụ, trang thiết bị chứa đựng bảo quản thực phẩm, đặc biệt là khay ăn, bát đĩa, thìa, dao thớt; thường xuyên duy trì nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất.
“Chúng tôi cũng đề nghị UBND cấp quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo các công ty có bếp ăn tập thể tại cụm công nghiệp đóng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm; đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, bố trí nguồn kinh phí cho việc lấy mẫu giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm tại các bếp ăn”, ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.