Cải cách hành chính

Không dùng tiền mặt tại bộ phận “một cửa” trên địa bàn Hà Nội từ ngày 1-6-2024: Còn vướng mắc cần sớm tháo gỡ

Phong Thu 18/06/2024 - 06:25

Thành phố Hà Nội triển khai phương thức thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt khi thực hiện thủ tục hành chính tại các bộ phận “một cửa” từ ngày 1-6-2024.

Sau hơn nửa tháng thực hiện, hình thức này đã đạt được nhiều kết quả khả quan, song chưa đồng đều và còn một số vướng mắc cần tháo gỡ.

nguoi-dan-thanh-toan-le-phi.jpg
Người dân thanh toán lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính bằng mã QR tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Đông Anh. Ảnh: Đỗ Tâm

Chủ trương phù hợp với thực tiễn

Theo Công văn số 1426/UBND-KSTTHC (ngày 10-5-2024) của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện phương thức thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt khi thực hiện thủ tục hành chính tại các bộ phận “một cửa” trên địa bàn thành phố, UBND thành phố yêu cầu giám đốc, thủ trưởng sở, ban, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn triển khai ngay các giải pháp thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt đối với hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện trực tiếp tại bộ phận “một cửa” từ ngày 1-6-2024, phấn đấu bảo đảm 100% giao dịch không dùng tiền mặt, khuyến khích các đơn vị áp dụng phần mềm mã QR “động”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), việc thanh toán không dùng tiền mặt diễn ra khá suôn sẻ. Anh Viên Đình Hải (phường Trần Hưng Đạo) công chứng bằng tốt nghiệp tại trung tâm, cho biết: “Đây là lần đầu tôi thanh toán không dùng tiền mặt khi làm thủ tục hành chính tại đây và thấy rất thuận tiện, chưa đầy 10 phút đã hoàn tất thủ tục”.

Ông Đinh Quang Thành, công chức Văn phòng - Thống kê phường Trần Hưng Đạo thông tin, triển khai Công văn số 1426/UBND-KSTTHC, ưu điểm là cán bộ không còn phải thực hiện thao tác thu tiền, kiểm tiền, đi đổi tiền để trả lại tiền thừa cho công dân..., nên tiết kiệm được thời gian cho các công việc khác.

Về triển khai thực hiện Công văn số 1426/UBND-KSTTHC, theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, công chức Văn phòng - Thống kê xã Ninh Sở (huyện Thường Tín), từ ngày 1-6-2024 đến 15-6-2024, bộ phận “một cửa” xã Ninh Sở giải quyết được 70 thủ tục hành chính, số tiền phí, lệ phí thu được là 2.198.000 đồng. Việc giao dịch không gặp trở ngại, cho thấy đây là chủ trương phù hợp với thực tiễn. Số tiền phí, lệ phí thu được sẽ chuyển theo hệ thống ngân hàng nên rất công khai, minh bạch.

trung-tam-phuc-vu-hanh-chin.jpg
Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) thực hiện 100% giao dịch không dùng tiền mặt. Ảnh: Hiền Chi

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Hà Đông đã đăng thông báo về việc áp dụng phương thức thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt bằng mã QR “động” khi thực hiện thủ tục hành chính tại các bộ phận “một cửa” trên Cổng thông tin điện tử của quận.

Còn tại UBND xã Ninh Sở (huyện Thường Tín), ngoài tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của xã, còn tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và tuyên truyền trực tiếp khi công dân đến làm thủ tục hành chính.

Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hường cho biết: Quận đã triển khai tại bộ phận “một cửa” quận và 18/18 phường, áp dụng đối với 100% thủ tục hành chính có quy định về phí, lệ phí theo đúng quy định kể từ ngày 1-6-2024. Nhìn chung, cán bộ, công chức rất sẵn sàng và thành thục các thao tác.

Phương thức thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt khi thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song còn một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ. Nguyên nhân là do người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt; một số người cao tuổi không có tài khoản ngân hàng hoặc có nhưng chưa biết cách sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử hoặc ví điện tử để thanh toán… Vì những khó khăn này mà nhiều nơi tỷ lệ thực hiện chưa cao. Tại huyện Đan Phượng, bộ phận “một cửa” cấp xã thực hiện được khoảng 20%; tại xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn) đạt 20%, xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn) đạt 28%...

Được biết, để chủ trương không dùng tiền mặt tại bộ phận “một cửa” mang lại hiệu quả cao, UBND thành phố đã giao Văn phòng UBND thành phố phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm hướng dẫn quy trình thực hiện thanh toán phí, lệ phí bằng mã QR tại bộ phận “một cửa” để các đơn vị, địa phương nghiên cứu, áp dụng, bảo đảm quy định và thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp... Hy vọng với sự vào cuộc của các đơn vị, địa phương, những bất cập sẽ sớm được khắc phục để chủ trương không dùng tiền mặt đối với hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện trực tiếp tại bộ phận “một cửa” các cấp ở Hà Nội thực sự hiệu quả, đồng đều.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh:
Hỗ trợ tối đa cho người dân

t3-ykien-nguyen-duc-anh.jpg

Việc thanh toán không dùng tiền mặt tại bộ phận "một cửa" là bước đi mới, tạo đột phá. Qua hơn 2 tuần thực hiện chủ trương trên, phần lớn người dân đều ủng hộ và nhanh chóng áp dụng phương thức thanh toán này. Tuy nhiên, tại một số xã phát sinh bất cập, khó khăn. Cụ thể, một số khách hàng là người cao tuổi, không thông thạo sử dụng các ứng dụng trong môi trường điện tử; một số người chưa có tài khoản ngân hàng, vẫn muốn sử dụng phương thức thanh toán truyền thống là tiền mặt...

Để 100% giao dịch liên quan thủ tục hành chính không dùng tiền mặt, chúng tôi đã chỉ đạo các phòng chuyên môn của huyện và các xã, thị trấn bố trí nhân lực tại bộ phận “một cửa” hỗ trợ tối đa cho người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc điện thoại thông minh để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp về các phương thức thực hiện hình thức thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt khi thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa”...

Phó Chánh Văn phòng HĐND -UBND huyện Đan Phượng Trịnh Thị Thu Thủy:
Tuyên truyền để người dân hiểu và sử dụng

t3-ykien-trinh-thi-thu-th.jpg

Hơn 2 tuần thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội, công chức bộ phận "một cửa" tại UBND huyện và các xã, thị trấn đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân khi thực hiện thủ tục hành chính. Điều thuận lợi là đa số người trẻ hiện nay đều sử dụng điện thoại thông minh và quen với việc sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán trực tuyến. Chỉ một số ít người còn bỡ ngỡ, đã được công chức bộ phận "một cửa" tận tình hướng dẫn. Đến nay, tại bộ phận "một cửa" UBND huyện, tỷ lệ người dân thực hiện thanh toán các loại phí, lệ phí không dùng tiền mặt đạt 100%.

Hiện chỉ còn ở các xã, thị trấn, việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt có những khó khăn đối với một số người công dân lớn tuổi, thường là ông, bà đi thực hiện các thủ tục hành chính hộ con, các cháu, như: Khai sinh, chứng thực, trích lục hộ tịch… Những trường hợp này lại thường không dùng tài khoản và điện thoại thông minh và số tiền nộp phí, lệ phí rất thấp, chỉ từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng nên người dân thường trả tiền mặt.

Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Dũng:
Thuận tiện, khách quan

t3-ykien-nguyen-anh-dung.jpg

Từ ngày 1-6 đến nay, tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Chương Mỹ đã có 27 công dân thực hiện nộp phí, lệ phí không dùng tiền mặt; trong đó có 13 trường hợp thanh toán bằng hình thức quét mã QR “động”. Phần lớn người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” đều hài lòng với phương thức thanh toán này. Phương thức này đã giảm thao tác cho cán bộ, công chức, thuận tiện cho người dân, đối soát để nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước; giảm thiểu rủi ro khi lưu giữ tiền phí, lệ phí và minh bạch hơn trong quá trình giao dịch giữa công dân với cơ quan nhà nước.

Để nâng cao hiệu quả phương thức thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt, bảo đảm thuận tiện, khách quan cho tổ chức, cá nhân, chúng tôi tham mưu UBND huyện trang bị màn hình máy vi tính để người dân có thể quan sát, thực hiện giao dịch nộp phí, lệ phí trên màn hình điện tử, phấn đấu 100% các giao dịch liên quan thủ tục hành chính trong thời gian tới sẽ không dùng tiền mặt...

Nhuệ - Mai ghi