Nga cảnh báo NATO leo thang căng thẳng khi triển khai thêm vũ khí hạt nhân
Ngày 17-6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai thêm vũ khí hạt nhân là một sự leo thang căng thẳng.
Phát ngôn của ông Dmitry Peskov được đưa ra sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, khối này đang đàm phán để triển khai thêm vũ khí hạt nhân, đưa chúng ra khỏi kho và đặt ở chế độ chờ, trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga và Trung Quốc.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, phát biểu của ông Jens Stoltenberg dường như mâu thuẫn với thông cáo của Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine rằng, bất kỳ mối đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân nào trong bối cảnh xung đột Ukraine đều không được chấp nhận.
Nga cảnh báo Mỹ và các đồng minh châu Âu đang đẩy thế giới đến bờ vực đối đầu hạt nhân bằng cách cung cấp cho Ukraine số vũ khí trị giá hàng tỷ USD, một số trong số đó đang được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Cùng ngày, theo hãng tin TASS, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) Mikhail Ulyanov cho biết, Nga nhận thấy mối lo ngại ngày càng tăng trên toàn thế giới về những báo cáo chỉ ra Mỹ đang thay đổi chiến lược hạt nhân.
Theo ông Mikhail Ulyanov, Nga đã theo dõi chặt chẽ các báo cáo từ Washington báo hiệu về sự thay đổi tiềm tàng trong các tài liệu học thuyết của họ, đồng thời cho biết, không loại trừ khả năng Nga cũng sẽ thay đổi học thuyết hạt nhân của mình.
"Tôi muốn nói thêm rằng, như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố gần đây, học thuyết hạt nhân của chúng tôi là một tài liệu sống và nó có thể sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế mới. Điều này là không thể tránh khỏi".
Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho đến nay, Nga và Mỹ là những cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, nắm giữ khoảng 88% vũ khí hạt nhân của thế giới.
Mỹ có khoảng 100 vũ khí hạt nhân phi chiến lược B61 được triển khai ở 5 quốc gia châu Âu gồm Italia, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ và Hà Lan. Ngoài ra, nước này còn có thêm 100 loại vũ khí như vậy trong lãnh thổ của mình.
Nga có khoảng 1.558 đầu đạn hạt nhân phi chiến lược, mặc dù các chuyên gia kiểm soát vũ khí cho rằng rất khó để nói chính xác có bao nhiêu đầu đạn vì lý do bí mật.