Ngõ Phất Lộc có đền Tiên Hạ…

Xã hội - Ngày đăng : 15:59, 03/08/2005

Ngõ Phất Lộc thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đền Tiên Hạ hiện tọa lạc ở số nhà 46 ngõ Phất Lộc. Xưa kia khu vực này thuộc giáp Tiên Hạ, phường Đông Các, huyện Thọ Xương, Thăng Long. Đền của giáp Tiên Hạ, dựng lên để thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn, nên gọi là đền Tiên Hạ.

Ngõ Phất Lộc thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đền Tiên Hạ hiện tọa lạc ở số nhà 46 ngõ Phất Lộc. Xưa kia khu vực này thuộc giáp Tiên Hạ, phường Đông Các, huyện Thọ Xương, Thăng Long. Đền của giáp Tiên Hạ, dựng lên để thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn, nên gọi là đền Tiên Hạ.

Vào đầu thế kỷ XVIII, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) từ làng Phất Lộc, huyện Đông Quan, Thái Bình, một nho sinh lên Thăng Long theo học trường Quốc Tử Giám. Ông họ Bùi không thành đạt về khoa cử, nhưng ở lại Tiên Hạ sinh sống. Sau đó, người làng ông cũng theo lên sinh sống, dần dần đông thành một lối ngõ toàn dân Phất Lộc. Do vậy mà có tên ngõ Phất Lộc.

Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370), tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi, nay là Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Từ nhỏ đã nổi tiếng là thần đồng, năm 16 tuổi đã đỗ Hoàng giáp khoa thi Thái học sinh năm Giáp Thìn niên hiệu Hưng Long 12 (1304) đời Trần Anh Tôn. Nguyễn Trung Ngạn là người chí lớn, tài năng lớn, được các vua Minh Tôn, Hiếu Tôn, Dụ Tôn trao cho nhiều chức vụ quan trọng: Kinh lược sứ Lạng Giang, Đại hành khiển, Thượng thư hữu bật, kiêm công việc Viện khu mật. Trong Nhân vật chí, Phan Huy Chú coi Nguyễn Trung Ngạn là một nhà ngoại giao tài giỏi. Ông đã đi sứ sang Trung Quốc. Và, năm 1324, viên sứ thần ngạo mạn của nhà Nguyên là Mã Hợp Mưu đã bị ông lấy lý lẽ đanh thép, sắc sảo khiến phải kính nể khuất phục, xuống ngựa đi bộ vào kinh thành Thăng Long. Ông là một nhà chính trị sáng suốt, tận tâm, biết chăm lo cho đời sống nhân dân. Ông cũng là một nhà làm luật, đã cùng với Trương Hán Siêu soạn bộ Hình thư, bộ Hoàng triều đại điển; ông cho dựng nhà Bình doãn xử kiện và nổi tiếng là người không bao giờ xử oan cho ai. Nguyễn Trung Ngạn còn là nhà viết sử với cuốn Thực lục ghi chép việc năm 1329, Trần Minh Tông, khi đã làm Thái thượng hoàng, đi đánh dẹp quân Ngưu Hống. Ông cũng là nhà quân sự có tầm cỡ đương thời, từng cho đặt kho chứa thóc để chẩn cấp cho dân đói. Việc đó làm cho dân mạnh càng làm cho quân mạnh. Vua Trần đã xuống chiếu cho các lộ trong nước theo cách làm của Nguyễn Trung Ngạn mà làm ở địa phương mình.

Nguyễn Trung Ngạn còn là một tài năng văn học lớn đời Trần. Phan Huy Chú đánh giá rất cao tài thơ của ông, cho rằng thơ ông nhiều bài hay, lời thơ hùng hồn, phóng khoáng gần với khí phách thơ Đỗ Phủ đời Đường. Tác phẩm Giới Hiên thi tập, theo Phan Huy Chú thì nguyên bản đã bị thất lạc từ lâu. Người chú ruột của Phan Huy Chú là Phan Huy Ôn đã thu thập những bài thơ của Nguyễn Trung Ngạn tản mác được 80 bài và làm thành sách Giới Hiên thi cảo. Ngoài Giới Hiên thi cảo, thơ của Nguyễn Trung Ngạn còn được bảo lưu trong các tuyển thơ xưa như Hoàng Việt thi tuyển, Toàn Việt thi lục, Việt âm thi tập. Thơ Nguyễn Trung Ngạn, như nhà bác học Phan Huy Chú nhận xét, thì vừa có khí phách mạnh mẽ, vừa thanh nhã, đẹp đẽ. Bài Qua cửa Thần phù, có những câu thơ thật hùng mạnh:" Một dòng nước trắng từ trời rơi xuống - Mấy ngọn núi xanh trải đến cửa biển hoang vắng vô biên…" Hình tượng thơ Nguyễn Trung Ngạn thường rất kỳ vĩ:" Trời đất như quả trứng vỡ ra sau buổi hồng hoang- Mặt trời mặt trăng như bèo nổi giữa không gian bát ngát…". Xúc cảm thơ Nguyễn Trung Ngạn thật to lớn, và tấm lòng của nhà thơ là tấm lòng Việt thuần hậu. Thời gian đi sứ nhà Nguyên, ông có những câu thơ chan chứa tình yêu quê nhà:

Dâu già lá rụng, tằm vừa chín
Lúa trổ bông thơm, cua đang lúc béo
ở quê nhà nghèo vẫn tốt đẹp
Đất Giang Nam vui cũng đâu bằng được trở về.

Danh nhân Nguyễn Trung Ngạn hưởng thọ 82 tuổi. Sau khi ông qua đời, triều đình tổ chức tang lễ trọng thể. Nhà vua phong cho ông là thượng đẳng phúc thần, cho các nơi lập đền thờ. Và, một trong những nơi lập đền thờ ông là phường Đông Các đã dựng ngôi đền ở giáp Tiên Hạ. Trải qua nhiều đời, đền Tiên Hạ được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Lần trùng tu rất đáng kể là năm Bính Dần 1866, văn bia ghi lại việc này. Hiện nay, tại đền còn lưu giữ được hệ thống bia đá gồm 5 tấm cùng một số hoành phi, câu đối, long ngai, khám thờ… là những di vật văn hóa có giá trị nghệ thuật và lịch sử. Đền Tiên Hạ - ngõ Phất Lộc không chỉ lưu giữ dấu tích lịch sử của Thăng Long gần ngàn năm trước, mà còn là một địa điểm lịch sử của Thủ đô Hà Nội gần 60 năm qua. Vào những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp, đây là nơi huấn luyện 72 tiểu đội trưởng đầu tiên của Liên khu I Hà Nội.

Thời gian Trung đoàn Thủ đô chiến đấu với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", ngõ Phất Lộc đã trụ vững cho đến đêm Trung đoàn được lệnh rút khỏi thành phố. Vào lúc 18 giờ ngày 17 tháng 2 năm 1947, các tiểu đoàn của Trung đoàn Thủ đô lần lượt đến từ đền Tiên Hạ, ngõ Phất Lộc, hành quân ra Cột Đồng Hồ, vượt đê sông Hồng, qua cầu Long Biên, lên hướng Bắc… Vậy đấy, ngôi đền Tiên Hạ trong ngõ nhỏ Phất Lộc chất chứa thật nhiều dấu tích về tình yêu con người, tình yêu Tổ quốc của người Thăng Long gần ngàn năm qua!

Theo HNNN

TUYETMINH