Xã hội

Khối lượng công việc tăng, cán bộ công đoàn cơ sở giảm: Giải pháp nào khắc phục?

Hà Phong 17/06/2024 - 06:46

Cùng với sự phát triển của đất nước, số đoàn viên công đoàn không ngừng tăng. Tuy nhiên, cán bộ công đoàn cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, biên chế ngày càng giảm. Đây là một trong những khó khăn ảnh hưởng đến các phong trào, hoạt động của tổ chức công đoàn.

Cần thêm biên chế là mong muốn của hầu hết đơn vị để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn. Việc đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tự quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ.

sx.jpg
Việc đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tự quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ sẽ góp phần đẩy mạnh các phong trào, hoạt động của tổ chức Công đoàn trong công nhân.

40 tỉnh, thành phố thiếu biên chế cán bộ công đoàn

Gần 4 năm trước, khi ông Nguyễn Đức Thể được bầu giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm (Hà Nội). Với vai trò người đứng đầu một tổ chức chính trị xã hội của địa phương, ngoài trọng trách trong tổ chức công đoàn, ông Nguyễn Đức Thể còn là đảm nhiệm nhiều vụ khác do huyện phân công. Chưa kể, đơn vị có 6 biên chế, nhưng hơn một năm nay chỉ còn 5 người, trong khi nhiệm vụ ngày càng nhiều. Cụ thể, Liên đoàn Lao động huyện quản lý 265 công đoàn cơ sở với trên 16.000 đoàn viên; do vậy, kế toán phải kiêm cán bộ nữ công, cán bộ văn phòng kiêm công tác tổ chức, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động vừa làm công tác kiểm tra, vừa kiêm mảng chính sách pháp luật, quan hệ lao động.

Tương tự, tại Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, số lượng đoàn viên, công nhân lao động và công đoàn cơ sở ngày càng tăng nhưng cán bộ công đoàn lại giảm. Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho hay, năm 2010, đơn vị chỉ có trên 40 công đoàn cơ sở và trên 10.000 đoàn viên. Tới nay, số công đoàn cơ sở gấp gần 10 lần và số đoàn viên gấp 15 lần (trên 150.000 người). Mặc dù vậy, đơn vị chỉ có 9 cán bộ công đoàn. Khối lượng công việc nhiều khiến ai nấy đều phải gồng lên, nhất là trong dịp Tháng Công nhân hay Tết Nguyên đán.

Trên thực tế, Hà Nội không phải là ngoại lệ. Qua rà soát, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, số lượng đoàn viên công đoàn các tỉnh, thành phố khác như Bắc Ninh, Bắc Giang ngày càng tăng nhưng biên chế đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách lại giảm. Hiện nay, tính theo tỷ lệ bình quân cả nước, một cán bộ công đoàn chuyên trách quản lý hơn 1.000 đoàn viên. Cá biệt, có địa phương tỷ lệ này cao hơn nhiều mức trung bình, tiêu biểu như thành phố Hồ Chí Minh.

Đề xuất tự quyết định số lượng cán bộ công đoàn

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, trước năm 2004, cán bộ công đoàn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định và phân bổ cho các địa phương. Từ năm 2004 đến nay, theo các quy định của Đảng, biên chế công đoàn ở các địa phương do Ban Thường vụ cấp ủy địa phương quản lý, nảy sinh nhiều bất cập. Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có 12 tỉnh, thành phố, công đoàn không được cấp ủy các tỉnh giao biên chế; 40 tỉnh, thành phố lại giao biên chế cán bộ công đoàn không tương xứng, không đủ số lượng để làm việc.

Người đứng đầu tổ chức Công đoàn Việt Nam nhấn mạnh, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đã đề xuất hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới. Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn được tự quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Nêu quan điểm về đề xuất trên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ nhất trí và cho rằng, cần xác định con số tổng để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có cơ sở xem xét cụ thể, phân bổ sẽ hợp lý hơn.

Theo phân tích của Tổng Thư ký Quốc hội, hiện nay, công đoàn chịu sự cạnh tranh trong việc tập hợp người lao động đến với tổ chức của mình mà các tổ chức khác không có hiện tượng này nên cần nguồn lực tương xứng. Điểm đáng quan tâm nữa, hệ thống tổ chức chính trị - xã hội được bố trí theo địa bàn hành chính và đến khu dân cư, còn tổ chức công đoàn phân bổ theo cơ quan, doanh nghiệp, đủ số người mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, bảo đảm công tác chăm lo người lao động.

"Đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng sẽ tránh được tình trạng cào bằng. Ví dụ, các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên có số lượng người lao động vô cùng lớn thì số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách không thể giống như của các tỉnh Điện Biên, Lai Châu", Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định.