Thế giới

Con đường hoà bình cho Ukraine còn dài và đầy thử thách

Kim Phượng 16/06/2024 - 22:14

Trong phát biểu bế mạc hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt về hòa bình ở Ukraine, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd cho biết, “con đường phía trước còn dài và đầy thử thách”.

hoi-nghi-thuong-dinh.png
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine đã nhất trí rằng Kiev nên tham gia đối thoại với Nga để chấm dứt chiến tranh. Ảnh: Reuters.

Hơn hai năm sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, các nhà lãnh đạo và tổ chức quốc tế hàng đầu từ hơn 90 quốc gia đã quy tụ tại một khu nghỉ dưỡng ở Thụy Sĩ để tham dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày (15 và 16-6) nhằm giải quyết cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.

“Chúng tôi tin rằng việc đạt được hòa bình cần có sự tham gia và đối thoại giữa tất cả các bên”, thông cáo cuối cùng nêu rõ, được đại đa số quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh tại khu phức hợp Burgenstock nhất trí. Tuyên bố cũng kêu gọi trao đổi toàn diện tù nhân chiến tranh và trao trả trẻ em Ukraine bị trục xuất.

Dù không phải tất cả những người tham dự đều ủng hộ tuyên bố cuối cùng này, nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy bày tỏ hy vọng đạt được sự đồng thuận quốc tế xung quanh đề xuất chấm dứt chiến tranh.

Sự kiện quốc tế lần này không có sự tham gia của Nga và Trung Quốc.

Các cuộc đàm phán ở Burgenstock diễn ra xung quanh các điểm chung giữa kế hoạch hòa bình 10 điểm của Tổng thống Zelenskiy trình bày vào cuối năm 2022 và các nghị quyết của Liên hợp quốc về cuộc chiến đã được thông qua với sự ủng hộ rộng rãi.

Các quốc gia đã chia thành ba nhóm làm việc trong ngày thứ hai của hội nghị để xem xét an toàn và an ninh hạt nhân, các vấn đề nhân đạo, an ninh lương thực và tự do hàng hải trên Biển Đen.

Phiên thảo luận về khía cạnh nhân đạo tập trung vào các vấn đề: Tù binh chiến tranh, người bị giam giữ dân sự và số phận của những người mất tích.

Các cuộc thảo luận về an ninh lương thực đã xem xét sự sụt giảm trong sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp, vốn đã có tác động lan tỏa trên toàn thế giới vì Ukraine là một trong những vựa lúa mì của thế giới trước chiến tranh. Các cuộc đàm phán không chỉ xem xét việc đất đai màu mỡ bị phá hủy bởi các hoạt động quân sự mà còn xem xét những rủi ro đang diễn ra do bom mìn và vật liệu chưa nổ.

Nhóm an toàn hạt nhân đã xem xét tình hình mong manh xung quanh sự an toàn và an ninh của các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine, đặc biệt là Zaporizhzhia, nơi tất cả các lò phản ứng đã ngừng hoạt động kể từ giữa tháng 4.

Các cuộc đàm phán tập trung vào việc giảm nguy cơ xảy ra tai nạn do trục trặc hoặc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Ukraine.

Tại cuộc họp, một hội nghị thượng đỉnh thứ hai được tính đến. Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd cho biết trong bài phát biểu bế mạc: “Vẫn còn một câu hỏi quan trọng: Làm thế nào và khi nào Nga có thể được đưa vào tiến trình này? Một giải pháp lâu dài phải có sự tham gia của cả hai bên”, đồng thời thừa nhận rằng “con đường phía trước còn dài và đầy thử thách”.

Tuy nhiên , Tổng thống Zelenskiy không cho biết liệu có sẵn sàng tham gia trực tiếp với Tổng thống V.Putin trong các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột hay không.