Bốn tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc tính kế ứng phó biến động địa chính trị
Ngày 16-6, The Korea Herald đưa tin, các tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc trong tháng này tổ chức hàng loạt cuộc họp chiến lược nhằm tìm kiếm giải pháp ứng phó suy thoái kinh tế và những bất ổn địa chính trị.
Samsung Electronics, tập đoàn số 1 của Hàn Quốc về giá trị, sẽ bắt đầu họp chiến lược từ ngày 18 đến 20-6. Các giám đốc điều hành hàng đầu của hãng trên toàn cầu sẽ được triệu tập về nước để thảo luận về chiến lược trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo (AI), và mọi vấn đề liên quan đến tất cả các hoạt động kinh doanh từ điện thoại thông minh, thiết bị gia dụng cho tới linh kiện bán dẫn.
Trong các cuộc họp, bộ phận kinh doanh điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng của Samsung sẽ phải trình bày rõ ràng mục tiêu, cũng như chiến lược trung và dài hạn.
Bộ phận kinh doanh chip của tập đoàn này sẽ tổ chức cuộc họp vào ngày 25-6. Đây cũng là cuộc họp đầu tiên sau khi Phó Chủ tịch Jun Young-hyun đảm nhiệm trọng trách dẫn dắt bộ phận. Năm 2023, sau khi gánh chịu kết quả thu nhập tồi tệ chưa từng thấy, Samsung đã thay thế giám đốc lĩnh vực kinh doanh linh kiện bán dẫn. Ông Jun Young-hyun được giao nhiệm vụ củng cố vị trí dẫn đầu về bộ nhớ của Samsung và đẩy nhanh việc thúc đẩy các loại chip AI.
Các cuộc họp chiến lược của Samsung lần này được truyền thông quốc tế hết sức quan tâm với kỳ vọng sẽ tiết lộ nhiều cải cách lịch sử, khi diễn ra ngay sau chuyến công tác kéo dài hai tuần của Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong tới Mỹ, trong đó có 30 cuộc họp với các lãnh đạo ngành công nghệ nước này, bao gồm cả Meta, Amazon và Qualcomm...
SK Group, tập đoàn lớn thứ hai của Hàn Quốc, cũng sẽ tổ chức cuộc họp chiến lược từ ngày 28 và 29-6 để xem xét kế hoạch kinh doanh. Năm nay, chủ đề SK Group theo đuổi là "quay trở lại những điều cơ bản", một triết lý quản lý được cố Chủ tịch Chey Jong-hyun của tập đoàn đề ra vào những năm 1970.
Theo các chuyên gia kinh tế, các cuộc họp sẽ chứng kiến SK Group xem xét lại toàn bộ danh mục đầu tư kinh doanh tổng thể của tập đoàn, trong đó ưu tiên các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý và nuôi dưỡng các động lực tăng trưởng mới. Các cuộc họp cũng sẽ thảo luận về biện pháp quản lý rủi ro, sau phán quyết ly hôn trị giá 1 tỷ USD gần đây của Chủ tịch Chey Tae-won, được xem là vụ ly hôn tốn kém nhất trong lịch sử Hàn Quốc.
Tập đoàn ô tô Hyundai, đứng thứ ba về tài sản tại Hàn Quốc, cũng tiến hành họp chiến lược toàn cầu trong tháng 6, với sự chủ trì của Chủ tịch điều hành Chung Euisun.
Sau nhiều năm mở rộng mạnh mẽ - đặc biệt là về xe điện (EV) tại thị trường quan trọng bậc nhất là Mỹ, Hyundai lúc này cần tìm ra chiến lược ứng phó Đạo luật Giảm lạm phát của Xứ Cờ hoa cũng như đề ra các biện pháp để đảm bảo sẵn sàng trước mọi diễn biến của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 tới. Năm ngoái, Hyundai Motor và công ty con KIA đã vượt mốc 1 triệu xe xuất khẩu sang Mỹ, chủ yếu nhờ xe điện và xe hybrid.
Các giám đốc điều hành của Hyundai cũng sẽ phải thảo luận về kế hoạch tăng trưởng ở Ấn Độ và Đông Nam Á, hai thị trường chiến lược mới. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng trong bối cảnh hãng ô tô Hàn Quốc đang loay hoay tìm cách giảm rủi ro trước các biến động địa chính trị gần đây.
Hyundai Motor Ấn Độ vừa qua nộp đơn chào bán công khai lần đầu trên thị trường chứng khoán Ấn Độ. Cuộc gọi vốn lớn nhất trong lịch sử Ấn Độ được kỳ vọng có thể huy động được khoảng 3 tỷ USD.
Tập đoàn LG, đứng thứ 4 tại Hàn Quốc, mới đây cũng tiến hành họp chiến lược, trong đó hai đơn vị chủ lực gồm LG Electronics và LG Innotek đã chia sẻ kế hoạch hoạt động trong nửa sau năm 2024.
Chủ tịch LG Koo Kwang-mo dự kiến sẽ đến Mỹ ngay trong tuần này để gặp gỡ các đối tác kinh doanh, đặc biệt là các đối tác trong lĩnh vực pin, AI và dược phẩm sinh học. Hiện nay, LG Energy Solution đang có dự án hợp tác với tập đoàn ô tô Mỹ General Motors để sản xuất pin Ultium tại Tennesse.