Du lịch

“Đánh thức” du lịch sông Hồng: Khai thác tiềm năng sông Mẹ

Linh Tâm 16/06/2024 10:50

Lịch sử phát triển đô thị ở Việt Nam và các nước trên thế giới đều gắn với các dòng sông.

Những dòng sông trong lòng thành phố thường đóng vai trò kết nối quá khứ với hiện tại, giữa các không gian cũ - mới của đô thị và kết nối các hoạt động của người dân địa phương với du khách. Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội cũng vậy. Tuy nhiên, dù sở hữu tiềm năng phong phú nhưng việc khai thác, phát triển du lịch còn nhiều hạn chế, bất cập khiến dòng sông Mẹ dường như “ngủ quên” suốt bao năm qua.

1(2).jpg
Tàu du lịch Thăng Long Victory chạy trên sông Hồng. Ảnh: Ngọc Bích

Tiềm năng dồi dào

Sông Hồng có tổng chiều dài 556km; trong đó đoạn chảy qua Hà Nội dài khoảng 160km, đi qua địa bàn 15 quận, huyện. Sông Hồng không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên bề dày văn hóa - lịch sử của Thủ đô mà còn góp phần hình thành cảnh quan, bồi đắp phù sa màu mỡ cho đất nông nghiệp, đồng thời phát triển hệ thống giao thông đường thủy giữa các địa phương.

Dọc hai bên sông Hồng có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề. Đó là đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm); đền Ghềnh, đền Rừng (quận Long Biên); làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm); đền Dầm, đền Đại Lộ (huyện Thường Tín)... Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành nên tuyến du lịch sông Hồng đã được Xí nghiệp Đầu tư và phát triển Du lịch sông Hồng (thuộc Công ty Cổ phần Thăng Long GTC) khai thác gần 30 năm qua. Từ chỗ ban đầu chỉ có 1 tuyến mang tên “Ấn tượng sông Hồng”, hiện Xí nghiệp đã có thêm 5 chương trình đi từ Hà Nội tới Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam với nhiều điểm tham quan nổi tiếng. Ngoài ra còn có các chương trình dọc sông được thiết kế riêng theo nhu cầu khách hàng hay tour dành cho học sinh.

Tháng 10-2023, Xí nghiệp đầu tư thêm du thuyền Thăng Long Victory có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại nhất Hà Nội hiện nay. Cuối tháng 3-2024, Xí nghiệp đưa vào hoạt động chương trình “Những cây cầu hạnh phúc”. Hành trình bắt đầu vào lúc hoàng hôn và kết thúc sau 3 giờ trải nghiệm. Du khách được thưởng ngoạn cảnh sắc hai bên bờ sông Hồng vào buổi chiều tối, đi qua các cây cầu Chương Dương, Long Biên, Nhật Tân mang đậm dấu ấn biểu trưng của Thủ đô Hà Nội và được phục vụ bữa tối lãng mạn, thưởng thức âm nhạc, giao lưu văn nghệ…

Nhờ vẻ đẹp độc đáo cùng những trải nghiệm phong phú nên năm 2019, tờ Daily Mail (Anh) đã bình chọn sông Hồng là một trong 8 địa điểm du thuyền trên sông tuyệt nhất thế giới.

2(1).jpg
Du khách trải nghiệm tuyến du lịch sông Hồng. Ảnh: Ngọc Bích

Bất cập thiếu - thừa

Thực tế, trên thế giới có nhiều thành phố nổi tiếng nhờ phát triển du lịch trên những dòng sông. Có thể kể tới sông Danube đoạn chảy qua thủ đô Budapest (Hungary), sông Chao Phraya chảy qua thủ đô Bangkok (Thái Lan), hay sông Seine chảy qua thủ đô Paris thơ mộng của Pháp... Ở trong nước, nhiều tỉnh, thành phố cũng phát triển sản phẩm du lịch đường sông ấn tượng như sông Hương (Thừa Thiên Huế), sông Hàn (Đà Nẵng), sông Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh)... Việc phát triển du lịch đường sông khá thuận lợi do hệ thống nhà cửa, trung tâm thương mại, cao ốc đều hướng ra sông, và hệ thống sông ngòi là tuyến giao thông đường thủy chính của địa phương.

Nhưng sông Hồng của Hà Nội thì khác. Nhiều thế kỷ trước, cư dân ven sông luôn phải vất vả đối mặt với tình trạng lũ lụt, ngập úng do yếu tố dòng chảy. Vì vậy, hệ thống nhà cửa thường được xây tạm bợ, “quay lưng” lại với dòng sông. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch AZA Nguyễn Tiến Đạt cho rằng: “Khu vực ngoài bãi thường bị coi là mặt sau của thành phố nên ít được quan tâm, đầu tư bài bản theo quy hoạch có tầm nhìn tổng thể. Đây là một trong những lý do vì sao khi đi tàu du lịch trên sông Hồng, du khách không mấy hào hứng ngắm cảnh. Hơn nữa, thời gian ngồi trên tàu khá dài, lại không có nhiều hoạt động giải trí trên tàu, nhiều du khách không muốn quay lại”.

3(1).jpg
Biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách trên tàu Thăng Long Victory. Ảnh: Bích Ngọc

Việc thiếu những hoạt động trải nghiệm gắn kết với các điểm đến cũng là nguyên nhân khiến du lịch sông Hồng kém sức hấp dẫn. Các chương trình hiện nay chủ yếu dừng ở việc tham quan đình, đền, chùa mà chưa có các sản phẩm du lịch trải nghiệm thu hút được người trẻ. Tại nhiều điểm đến, sự thiếu vắng các mặt hàng lưu niệm hay sản vật địa phương khiến du khách không có cơ hội tiêu tiền ngoại trừ Bát Tràng có các sản phẩm đặc trưng và khu vực trải nghiệm khá hấp dẫn.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính “kéo lùi” sự phát triển của du lịch sông Hồng được chỉ ra là do thiếu trầm trọng hệ thống bến cảng. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư và phát triển Du lịch sông Hồng chia sẻ: “Hai bên bờ sông Hồng dọc theo tuyến điểm đơn vị khai thác có rất ít bến thủy nội địa đáp ứng tiêu chuẩn đón khách du lịch. Ngay như bến Chương Dương - điểm đỗ của Xí nghiệp, xung quanh là khu vực sinh sống của người dân làng chài, các nhà thuyền lẫn vào nơi đón khách khiến khu vực bến càng lộn xộn. Hệ thống thoát nước thải chảy qua bến, người dân đổ rác thải ra ven bờ khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng và mất mỹ quan. Khu vực đầu bến chưa được quy hoạch nên không đủ tiêu chuẩn là một bến cảng phục vụ khách du lịch”.

Thiếu bến bãi là nguyên nhân chính khiến những nhà đầu tư như A Class Cruises Group phải “bỏ của chạy lấy người”. Năm 2021, công ty này kéo du thuyền cao cấp Jade of River từ vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) về hoạt động trên sông Hồng, nhưng do thiếu bến đỗ và đón trả khách cùng nhiều nguyên nhân khác nên sau 1 năm, công ty này phải đưa du thuyền trên trở lại vịnh Hạ Long.

Trong khi hệ thống bến bãi còn thiếu thốn thì tại xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) lại rơi vào tình trạng vừa thiếu vừa thừa. Nhiều năm trước, một bến thủy nội địa đã được thành phố đầu tư xây dựng gần khu vực đình Bát Tràng nhưng bao năm qua vẫn không hoạt động được do các yếu tố kỹ thuật, cầu cảng gây khó cho tàu thuyền cập bến và việc di chuyển của du khách.

4(1).jpg
Đền Đa Hòa (xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) thờ Chử Đồng Tử là một trong những điểm đến trên tuyến du lịch sông Hồng. Ảnh: Bảo Kha

Khơi dậy sức mạnh sông Hồng

Để “đánh thức” tiềm năng du lịch sông Hồng, cần giải được các bài toán bất cập trên. Tuy nhiên, việc tăng số lượng, đầu tư cho hệ thống bến thủy nội địa, bến tàu du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật đi kèm đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn cùng quy hoạch bài bản, có tầm nhìn như Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Bên cạnh đó, cần quy hoạch lại khu vực sinh sống cho người dân ven sông nhằm đảm bảo an sinh và cộng hưởng để cùng phát triển. Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư và phát triển Du lịch sông Hồng Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, cần xây dựng thêm các khu vui chơi giải trí trên sông như chèo thuyền kayak, chèo SUP, cắm trại; xây dựng khu trải nghiệm nông nghiệp ven sông; phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm đời sống văn hóa Đồng bằng sông Hồng, trải nghiệm nghề truyền thống tại các làng nghề... Những hoạt động hấp dẫn có sự tham gia của người dân địa phương sẽ thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế; kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch AZA Nguyễn Tiến Đạt đề xuất: Cần đầu tư, nâng cấp chất lượng tàu song song với việc nâng cao chất lượng phục vụ, trình độ của đội ngũ phục vụ khách. Có thể mời các ban nhạc chơi trên tàu để du khách thưởng thức nghệ thuật. Bên cạnh đó, các đơn vị tàu cần tăng năng lực đón khách thông qua việc marketing sản phẩm tới từng đối tượng khách; kết nối với chính quyền địa phương và doanh nghiệp lữ hành để cùng xây dựng sản phẩm và đưa khách đến...

Không chỉ phát huy tiềm năng du lịch hai bên sông, Hà Nội cũng định hướng phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng trở thành công viên văn hóa đa chức năng có tổng diện tích 307ha, trải dài trên địa bàn 4 quận: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên. Trên cơ sở đó khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng; đầu tư cải tạo khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch; định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại; giải quyết vấn đề lấn chiếm đất bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng, vi phạm trật tự xây dựng, cải thiện vệ sinh môi trường... để nơi đây trở thành điểm vui chơi, tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Với những định hướng này, chắc chắn sông Hồng sẽ “vươn mình” mạnh mẽ như rồng bay trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.