Hải quân Mỹ đối mặt cuộc chiến khốc liệt nhất từ Thế chiến II khi ngăn chặn Houthi
Hải quân Mỹ đang mắc kẹt trong một cuộc chiến đầy thách thức trước lực lượng Houthi ở Yemen.
Theo đánh giá của các chỉ huy và chuyên gia quân sự, chiến dịch ngăn chặn lực lượng Houthi trên Biển Đỏ của liên minh do Mỹ dẫn đầu đã trở thành trận hải chiến căng thẳng nhất mà Hải quân Mỹ phải đối mặt kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.
Sứ mệnh của Hải quân Mỹ trong chiến dịch lần này là đảm bảo an toàn cho các tuyến đường thủy quốc tế trước sự tấn công của lực lượng Houthi, giờ đây được trang bị máy bay không người lái, tên lửa và các loại vũ khí nguy hiểm khác.
Dẫn một thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, đài ABC News cho biết, kể từ tháng 11-2023, Houthi đã hơn 50 lần tấn công tàu thuyền các loại. Khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đỏ cũng đã giảm mạnh, dẫn đến nguồn cung ứng toàn cầu gặp gián đoạn.
Houthi cho biết, mục đích tấn công các tàu hàng trên Biển Đỏ là nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với người Palestine và kêu gọi chiến tranh tại Gaza chấm dứt. Tuy nhiên, cho đến nay, cuộc chiến tại dải đất bị bao vây của người Palestine không có dấu hiệu dừng lại cũng như xung đột ngày càng gia tăng, khiến các thủy thủ Mỹ, đồng minh và tàu thương mại dự báo sẽ gặp nhiều rủi ro hơn.
Dẫn lời Chỉ huy Eric Blomberg trên tàu khu trục USS Laboon đang làm nhiệm vụ tại Biển Đỏ, hãng tin AP đưa tin, ngoại trừ tháng lễ ăn chay Ramadan, lực lượng Houthi phóng tên lửa, máy bay không người lái tới Biển Đỏ, Vịnh Aden và eo biển Bab el-Mandeb gần như mỗi ngày.
Từng giây từng phút, các thủy thủ trên tàu Laboon phải theo dõi “nhất cử nhất động” của Houthi trên Biển Đỏ.
“Có những tàu đã phải làm việc đó liên tục hơn 7 tháng nay”, Đại úy David Wroe, phụ trách giám sát các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, chia sẻ.
Bryan Clark, cựu thủy thủ tàu ngầm của Hải quân giờ là thành viên cấp cao tại Viện Hudson, đánh giá: “Đây là cuộc chiến kéo dài nhất mà Hải quân Mỹ từng đối đầu kể từ Thế chiến thứ hai. Sẽ đến lúc lực lượng Houthi có thể thực hiện kiểu tấn công mà Mỹ không thể lúc nào cũng ngăn chặn mọi lúc. Sau đó sẽ bắt đầu có những thiệt hại đáng kể”.
Từ bài học trong những trận chiến trước đây, Hải quân Mỹ biết rõ chiến đấu trên biển ở Trung Đông vẫn còn nhiều rủi ro. Năm 1987, một máy bay chiến đấu của Iraq đã bắn tên lửa tấn công tàu khu trục USS Stark đang tuần tra ở Vịnh Ba Tư trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq, khiến 37 thủy thủ thiệt mạng và suýt đánh chìm tàu.
Năm 2000, tàu USS Cole của Mỹ đang dừng tiếp nhiên liệu ở thành phố cảng Aden của Yemen cũng bị al-Qaida tấn công, khiến 17 người trên tàu thiệt mạng.
Chuẩn đô đốc Marc Miguez, chỉ huy nhóm tấn công tàu sân bay số 2, bao gồm tàu Eisenhower và các tàu hỗ trợ, cho biết mới đây, Hải quân Mỹ đã hạ gục một số xuồng tự sát của Houthi.
Rủi ro đối với lực lượng Mỹ không chỉ dừng lại ở ngoài biển. Chiến dịch do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện nhiều cuộc không kích nhắm vào các vị trí của Houthi bên trong Yemen, bao gồm các trạm radar, bãi phóng, kho vũ khí và các cơ sở hậu cần.
Đại úy Marvin Scott, phụ trách giám sát máy bay của nhóm không quân cho biết, các phi hành đoàn của tàu sân bay Eisenhower đã thả hơn 350 quả bom và bắn 50 tên lửa vào các mục tiêu trong chiến dịch. Trong khi đó, Houthi dường như đã bắn hạ nhiều máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ bằng hệ thống tên lửa đất đối không.
Đại úy Scott đánh giá: “Houthi vẫn duy trì năng lực phòng không mặc dù đã bị chúng tôi làm suy giảm đáng kể. Năng lực vẫn còn. Chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tấn công của Houthi”.