Lương - Bảo hiểm

Vững trụ cột an sinhBài cuối: Tiếp đà phát triển

Hà Hiền 15/06/2024 16:11

Tiếp đà phát triển, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội tập trung tối đa nguồn lực nhằm thu hút người dân vào hệ thống BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đó cũng là giải pháp để ngành từng bước hiện thực hóa mục tiêu BHXH, bảo hiểm y tế toàn dân.

Còn nhiều tiềm năng để khai khác

Hiện thành phố Hà Nội còn nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển số người tham gia BHXH khi còn hơn 55% lực lượng lao động trong độ tuổi chưa tham gia chính sách, tương ứng với gần 3 triệu người lao động chưa có điểm tựa an sinh vững chắc. Cần quan tâm, đối tượng chưa tham gia tập trung chủ yếu ở nhóm lao động làm nông nghiệp, lâm nghiệp và những công việc tự do, không có giao kết hợp đồng lao động.

nh-1-ba-i-3.jpg
Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đưa chính sách BHXH tự nguyện đến với nhóm lao động tự do. Ảnh: Minh Vũ

Lao động tự do là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập, nên hơn ai hết, họ rất cần có điểm tựa an sinh. Chẳng hạn, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã hỗ trợ an sinh cho hàng trăm nghìn lượt lao động tự do với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Do đó, nếu có giải pháp hấp dẫn, lực lượng lao động tự do là nguồn “đầu vào”, là đối tượng tiềm năng để các cơ quan chức năng mở rộng diện bao phủ, gia tăng tỷ lệ tham gia BHXH.

Về mặt chủ trương, tại nhiều Chương trình, Nghị quyết về phát triển an sinh xã hội, Thành ủy Hà Nội đề ra mục tiêu có ít nhất 50% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó có 3% tham gia BHXH tự nguyện) vào cuối năm 2025. Đến năm 2030, tỷ lệ này tăng lên ít nhất 60%. Đó chính là định hướng quan trọng giúp ngành BHXH cùng các bên liên quan chủ động đề ra giải pháp thu hút số đông người lao động vào “lưới an sinh”.

Với bảo hiểm thất nghiệp, hiện đa số người dân tham gia BHXH bắt buộc cũng có tên trên hệ thống. Vì vậy, số người tham gia BHXH tăng, dự kiến số người tham gia chính sách cũng tăng theo. Các chính sách liên kết lại sẽ tạo thành chuỗi điểm tựa an sinh cho người lao động, từ lúc họ bước vào thị trường việc làm, ký giao kết hợp đồng lao động cho đến khi hết tuổi lao động.

Với bảo hiểm y tế, hiện tỷ lệ bao phủ chính sách đã tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân (có ít nhất 95% dân số tham gia). Tuy nhiên, bảo hiểm y tế vẫn chưa bao phủ kín đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia là học sinh, sinh viên, bảo hiểm y tế hộ gia đình chưa đến với 100% thành viên... Thế nên, chính sách nhân văn này vẫn còn nhiều cơ hội để tiếp tục gia tăng diện bao phủ.

Chủ động “kích cầu”

Được bảo vệ bởi “lưới an sinh” là nhu cầu thiết thân của mọi người dân, nhất là đối với nhóm lao động tự do, nhóm người có hoàn cảnh khó khăn, người có thu nhập thấp... Thế nên, các cơ quan chức năng áp dụng đa dạng các giải pháp “kích cầu”, bảo đảm phù hợp với nhu cầu từng nhóm.

Về BHXH bắt buộc, ngoài những giải pháp đã thực thi, BHXH thành phố Hà Nội cùng các bên tiến hành rà soát, đối chiếu dữ liệu về lao động với cơ quan thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các xã, phường, thị trấn, qua đó kịp thời phát hiện các trường hợp thuộc đối tượng, đủ điều kiện tham gia chính sách nhưng chưa có tên trên hệ thống BHXH. Căn cứ vào kết quả rà soát dữ liệu năm 2023 và quý I-2024, các bên khai thác tăng đóng BHXH đối với hàng nghìn người lao động.

nh-2-ba-i-3.jpg
Nhiều người lao động ở Thủ đô có cơ hội hiểu rõ hơn về chính sách thông qua các hội nghị đối thoại chuyên đề về lao động, việc làm, BHXH. Ảnh: Thành Đô

Đối với nhóm lao động chuẩn bị bước vào thị trường lao động, họ được tiếp cận với chính sách BHXH thông qua các buổi đối thoại dành cho thanh niên, sinh viên năm cuối do nhiều cơ quan chức năng tổ chức; đồng thời, được tư vấn, giới thiệu thông qua mô hình “Gian hàng BHXH” tại các phiên giao dịch việc làm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội triển khai.

“Nhờ được tư vấn kỹ lưỡng, tôi hiểu rõ vai trò quan trọng của BHXH. Vì thế, tôi sẽ lựa chọn làm việc cho những doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chính sách BHXH”, sinh viên Nguyễn Đức Anh, Khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Đại Nam) cho hay.

nh-3-ba-i-3.jpg
Thông qua mô hình gian hàng BHXH tại các phiên giao dịch việc làm, nhiều người lao động tiếp cận với chính sách trước khi ký kết hợp đồng lao động. Ảnh: Đô Thành

Về BHXH tự nguyện, để thu hút người dân tham gia, hiện BHXH thành phố Hà Nội cung ứng dịch vụ đến cấp xã, phường, thị trấn thông qua mạng lưới 1.554 điểm thu và 1.821 nhân viên thu. Ngoài ra, BHXH các quận, huyện, thị xã ký hợp đồng với 17 tổ chức dịch vụ thu (2 phòng khám, bệnh viện; 3 hợp tác xã và 12 doanh nghiệp) với 26 điểm thu và 66 nhân viên thu. Lực lượng này thường xuyên đến từng nhà, gặp từng người dân để tư vấn về chính sách, giúp họ hiểu rõ mà chủ động tham gia.

Với bảo hiểm y tế, lực lượng chức năng tập trung đưa chính sách đến nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, thành viên hộ gia đình; đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giúp người dân thấy rõ lợi ích mà chủ động nắm bắt cơ hội thụ hưởng.

Ngoài những giải pháp chung, thành phố Hà Nội còn có nhiều chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn rộng mở cơ hội bước vào “lưới an sinh”. Nổi bật là chính sách hỗ trợ mức đóng cao gấp 2 lần quy định chung cho tất cả người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Ở cơ sở, một số địa phương còn huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ 100% mức đóng cho người tham gia là thành viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Đáng chú ý, từ năm 2024, thành phố mở rộng đối tượng được hỗ trợ phần lớn mức đóng BHXH tự nguyện đến lực lượng công an xã bán chuyên trách…

Phấn khởi hơn, từ tháng 1-2024 đến hết tháng 12-2025, người cao tuổi từ đủ 70 đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp hằng tháng; người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ bảo hiểm y tế; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình thường trú trên địa bàn Hà Nội được hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm y tế. Tùy từng nhóm đối tượng mà họ nhận được mức hỗ trợ khác nhau, nhưng tất cả cùng hướng đến mục tiêu chung là gia tăng số người tham gia, thụ hưởng chính sách...

Thông qua chuỗi giải pháp vừa linh hoạt, vừa đặc thù, số người tham gia chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội tiếp tục duy trì đà tăng trong những tháng đầu năm 2024, đặt nền móng vững chắc cho ngành BHXH Thủ đô tiếp đà phát triển.