Đô thị

Hà Nội sẽ đẩy mạnh quy hoạch giao thông tĩnh

Bảo Vy - Ảnh: Viết Thành 14/06/2024 21:30

Tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội chiều 14-6, truyền tải kiến nghị của cử tri về lĩnh vực giao thông - vận tải, Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố Đàm Văn Huân, cho biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung và phường Láng Hạ (Đống Đa) nói riêng, có nhiều khu tập thể cũ, hầu hết đã được xây dựng từ cách đây hơn 30 năm nên không được thiết kế chỗ để xe.

Do nhu cầu gửi xe của người dân rất cao nên sân tập thể, sân chơi, hè đường có thể trở thành nơi để xe của người dân. Việc thiếu điểm trông giữ xe làm phát sinh nhiều vấn đề.

Cũng theo đại biểu Đàm Văn Huân, hiện nay, diện tích đất của thành phố dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 8-10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có, còn lại 90% nhu cầu đang đỗ tại các bãi đất trống, đất xen kẹt, đất dự án chậm triển khai, các khu vực công cộng như lòng đường, vỉa hè, bãi xe trong bệnh viện, trường học, công viên, trung tâm thương mại, khu chung cư, trụ sở cơ quan, đơn vị và tại nhà dân...

Vì thế, đại biểu đề nghị, đồng chí Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết tình hình xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, đề xuất danh mục các bãi đỗ xe cần thiết đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách...

thuong.jpg
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường trả lời.

Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường cho biết, bãi đỗ xe đang thiếu trầm trọng, mà theo quy hoạch giao thông tĩnh, Hà Nội có 1.620 bãi đỗ xe, hiện đã đầu tư và đưa vào khai thác 72 bãi đỗ xe, 61 bãi đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư và còn nhiều vướng mắc. Hà Nội hiện có khoảng 8 triệu xe máy, ô tô khoảng gần 1,5 triệu xe. Tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân của thành phố là 4,5%/năm. Trong khi đó, quy hoạch dành cho giao thông tĩnh phải đạt 3-4% nhưng Hà Nội hiện chưa đạt 1%. Cùng với đó, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị ở Hà Nội chỉ đạt 12,13%, tức chỉ đạt một nửa so với quyết định của Chính phủ về quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội (chỉ tiêu quy hoạch là 20-26% cho đô thị trung tâm)...

Cũng theo đồng chí Nguyễn Phi Thường, trong 1.620 bãi đỗ xe đã quy hoạch thì cũng có không ít khó khăn, do một số bãi đỗ xe là đất ở, đất công sở và nằm ở trong khu đất rất khó để giải phóng mặt bằng...

Trước thực trạng này, Sở đã báo cáo UBND thành phố, sau khi thông qua 2 quy hoạch Thủ đô sẽ cho phép ngành Giao thông Vận tải rà soát điều chỉnh quy hoạch phân khu, trong đó, quan tâm đến các quy hoạch thành phần như quy hoạch phân khu giao thông ngầm, quy hoạch bãi đỗ xe giao thông tĩnh; từ đó chuẩn hóa được quy định đầu tư, cơ chế và chính sách đi kèm nhằm thu hút nhà đầu tư.

Hiện tại, UBND thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát tất cả các dự án liên quan đến bãi đỗ xe, xác định rõ địa điểm nào triển khai, địa điểm nào không triển khai. Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải có văn bản gửi các quận, huyện có nhu cầu cao về bãi đỗ xe, để chỉ rõ trong quy hoạch do yêu cầu cấp thiết phải bố trí ngân sách đầu tư công; thành phố đã phân cấp cho các quận, huyện quản lý các bãi đỗ xe trên địa bàn, vì thế các địa phương cũng cần rà soát địa bàn mình các dự án chưa triển khai để báo cáo UBND thành phố.

quan.jpg
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân trả lời.

Liên quan đến lĩnh vực này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, vấn đề bãi đỗ xe trước đây là lĩnh vực rất “nóng” nhưng giờ ít nhà đầu tư quan tâm, do giá sử dụng đất và giá thu phí bãi đỗ xe, thương mại dịch vụ. Sở cũng đã làm việc với Sở Giao thông Vận tải để có những tháo gỡ cho vấn đề này. Thời gian tới, căn cứ trên cơ sở chính sách liên quan để có hướng xử lý, tham mưu cơ chế, chính sách nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài...

Trao đổi về nội dung này, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh quy hoạch giao thông tĩnh, trong đó có các không gian ngầm; chủ động phân cấp cho các quận, huyện thực hiện quy hoạch... Sau phiên giải trình, UBND thành phố sẽ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị bảo đảm trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri đúng hạn.