Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu điều kiện đàm phán hòa bình Ukraine
Theo Reuters, ngày 14-6, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng, Nga sẽ ngừng bắn và tham gia các cuộc đàm phán hòa bình nếu Ukraine từ bỏ tham vọng tham gia tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và rút lực lượng khỏi bốn khu vực của Ukraine mà Mátxcơva tuyên bố chủ quyền.
Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga sẵn sàng bảo đảm việc rút quân an toàn của các đơn vị Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga đưa ra tuyên bố trên trước thềm Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ, nơi hơn 90 quốc gia và các tổ chức quốc tế sẽ thảo luận về con đường khả thi hướng tới hòa bình ở Ukraine. Nga chưa được mời và nói rằng cuộc họp này chỉ "lãng phí thời gian".
Nga kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine trong năm thứ ba của cuộc xung đột và Kiev nói rằng, hòa bình chỉ có thể dựa trên việc lực lượng Nga rút hoàn toàn và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine.
Ngày mai (15-6), các nhà lãnh đạo thế giới sẽ cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự Hội nghị thượng đỉnh hòa bình để tìm cách chấm dứt cuộc xung đột nguy hiểm nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, nhưng Nga không được mời tham dự sự kiện.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo Đức, Italia, Anh, Canada, Nhật Bản nằm trong số những người dự kiến tham dự cuộc họp diễn ra trong hai ngày 15 và 16-6, tại khu nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Burgenstock của Thụy Sĩ. Ngoài ra, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, những quốc gia duy trì mối quan hệ thân thiết với Nga, sẽ cử Ngoại trưởng tham dự hội nghị.
Tuy nhiên, bất chấp nhiều tháng vận động hành lang của Ukraine, một số nước sẽ không tham gia, đáng chú ý nhất là Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu mỏ chính của Nga và là nhà cung cấp hàng hóa giúp Mátxcơva duy trì các cơ sở sản xuất. Trung Quốc cùng với Brazil đang thúc đẩy một kế hoạch hòa bình riêng cho Ukraine, kêu gọi sự tham gia của cả hai bên tham chiến. Mátxcơva trước đây đã lên tiếng ủng hộ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm chấm dứt xung đột.
Trên chiến trường, quân đội Nga, hiện kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine, đang tiến về phía Đông trong một cuộc chiến khiến hàng chục nghìn binh sĩ và dân thường thiệt mạng, làng mạc, thị trấn và thành phố bị tàn phá và hàng triệu người phải rời bỏ quê hương.
Với những “cơn gió ngược” và những khác biệt cố hữu giữa Ukraine và Nga, Hội nghị thượng đỉnh sẽ tránh xa các vấn đề lãnh thổ và tập trung vào các phần trong kế hoạch của Tổng thống Zelensky để hầu hết những người tham gia đều chấp nhận. Những điều này bao gồm nhu cầu bảo đảm an ninh lương thực, an toàn hạt nhân, tự do hàng hải và trao đổi tù nhân.