Nông nghiệp - Nông thôn

Chương Mỹ: 18 xã có khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư

Ngọc Quỳnh 14/06/2024 - 13:08

Ngày 14-6, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp huyện Chương Mỹ tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông, nhằm giúp nông dân nâng cao kỹ thuật canh tác, chăn nuôi.

quang-canh-dien-dan-14-6.jpg
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Hương Giang

Phó Chủ tịch huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, đến nay, Chương Mỹ đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung trồng trọt như: Lúa 5.100ha; rau 236ha; cây ăn quả 828ha; chè 100ha; bước đầu đã hình thành một số mô hình chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản chủ lực (rau, gạo và sản phẩm chăn nuôi). Huyện đã xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể cho 5 sản phẩm gồm: Bưởi Chương Mỹ; gạo hữu cơ Đồng Phú và gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến - Chương Mỹ, rau an toàn Chúc Sơn, bưởi Nam Phương Tiến…

Toàn huyện có 18 xã có khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư, với diện tích 312ha, có 583 trang trại chăn nuôi; 3.025ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 1.000ha chuyên canh tập trung, sản lượng thủy sản ước đạt 9.200 tấn.

chan-nuoi-chuong-my.jpg
Chương Mỹ là một trong những vùng chăn nuôi trọng điểm của thành phố. Ảnh: Hương Giang

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn thiếu bền vững; trình độ lao động nông nghiệp còn thấp, các biện pháp thâm canh mang tính truyền thống là chính, chưa ứng dụng được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

lua-huu-co-dong-phu-chuong-my.jpg
Mô hình lúa hữu cơ ở xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Hương Giang

Tại diễn đàn, các nhà khoa học đã lắng nghe các ý kiến, trao đổi và trả lời các vấn đề nông dân thắc mắc, chưa hiểu rõ, từ đó giúp người dân có kiến thức quan trọng, cần thiết áp dụng vào sản xuất.

Phát biểu tại diễn đàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, chương trình được tổ chức để liên kết một cách có hiệu quả giữa hộ nông dân với các nhà khoa học, nhà quản lý nhằm trao đổi thông tin, giao lưu, học tập các kiến thức khoa học hết sức bổ ích về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; trang bị cho nông dân kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận so với sản xuất truyền thống; chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tổ chức lại sản xuất khoa học hơn, quy mô lớn hơn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hộ, phát triển nông nghiệp bền vững.