Thi đua đạt mục tiêu cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc trước ngày 31-12-2025
Sáng 14-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các Ban quản lý dự án, các Tập đoàn kinh tế nhà nước, các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp.
Mở đầu Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giao thông nói chung và cụ thể là đường cao tốc, sân bay, bến cảng phát triển đến đâu mở ra không gian phát triển đến đó; đồng thời góp phần giảm chi phí logistics, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa cả trong nước và trên thế giới.
Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc. Ngay đầu nhiệm kỳ, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo nhằm thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông.
Ban Chỉ đạo thường xuyên họp để rà soát, đôn đốc và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải. Nhờ đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay cả nước đã hoàn thành 674km đường bộ cao tốc, nâng tổng số đường bộ cao tốc cả nước lên khoảng 2.000km.
Các dự án hàng không như Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đường Vành đai 4 - Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh; các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc kết nối vùng, Đông - Tây… được thúc đẩy, triển khai. Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải vẫn có một số khó khăn, vướng mắc như về thủ tục, giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng san lấp…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu dự Phiên họp tập trung rà soát tình hình triển khai các dự án, kiểm điểm việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, nhất là về công tác giải phóng mặt bằng, cung cấp vật liệu san lấp, việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp; đồng thời rà soát, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình triển khai các dự án, nhất là trong mua - bán thầu, mua - bán nguyên vật liệu…
Trên tinh thần “bàn làm, không bàn lùi”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp, tập trung thúc đẩy các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án, bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan, an toàn lao động, nhất là trong việc điều phối, chia sẻ vật liệu san lấp tại các dự án đường bộ cao tốc.
Các bộ, ngành, địa phương huy động hệ thống chính trị; huy động các lực lượng, doanh nghiệp tham gia triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải như đã tham gia triển khai đường dây tải điện 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện các dự án; xem xét phát động phong trào thi đua 500 ngày hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc trước ngày 31-12-2025.
Theo Ban Chỉ đạo, hiện nay, cả nước có 40 dự án, với 92 dự án thành phần là dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải thuộc 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt và hàng không tại 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại Phiên họp lần thứ 11 của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện 47 nhiệm vụ, trong đó tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, phê duyệt các dự án; cung cấp vật liệu san lấp; hướng dẫn triển khai Luật Đầu tư công, thủ tục vay vốn ODA cho một số dự án; công tác giải phóng mặt bằng… Đến nay, các đơn vị đang tích cực triển khai 14 nhiệm vụ chưa đến hạn; 22 nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành thường xuyên, liên tục; đã hoàn thành 11 nhiệm vụ đúng thời hạn yêu cầu.
Báo Hànộimới tiếp tục cập nhật thông tin về Phiên họp.