Cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe là cần thiết
Theo chương trình đợt hai (từ ngày 17-6 đến 28-6) kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu biểu quyết riêng một điều khoản về cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi thông qua Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 22-5 vừa qua, một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là quy định về cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (Khoản 2, Điều 10) của dự thảo Luật. Đa số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật, song vẫn còn ý kiến đề nghị cân nhắc quy định có ngưỡng tối thiểu và một số ý kiến khác đề nghị đưa 2 phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Lý giải cho băn khoăn trên, một số đại biểu cho rằng, trên thực tế có những trường hợp không sử dụng rượu, bia mà vẫn có nồng độ cồn như do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hóa nồng độ cồn nội sinh. Cồn nội sinh là cồn tự sinh ra trong cơ thể mà không có bất kỳ tác động nào khác bên ngoài, có nồng độ rất thấp mà các phương tiện thông thường kiểm tra nồng độ cồn hiện nay không thể phát hiện được. Do đó, cần có quy định về quy trình kỹ thuật, định lượng ethanol trong máu đối với các trường hợp không sử dụng rượu, bia mà có nồng độ cồn.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã đề xuất bổ sung vào Khoản 5, Điều 87 của dự thảo Luật giao “Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu”. Đây là căn cứ xác định trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác.
Như vậy, so với dự thảo Luật trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ bảy, đây là quy định mới được bổ sung. Việc bổ sung quy định này là rất cần thiết, thể hiện sự lắng nghe, tiếp thu một cách cầu thị của cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn thiện dự thảo luật nhằm bảo đảm chặt chẽ, tránh tình trạng “oan sai” trong xử lý về nồng độ cồn.
Theo báo cáo của Bộ Công an, từ tháng 6-2022 đến tháng 12-2023, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ gây ra. Trong số đó, có đến 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây ra.
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, từ năm 2018 đến hết năm 2023, tổng số lượt nạn nhân đến cấp cứu, điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh do tai nạn giao thông đường bộ gây ra là 2.742.395 lượt người.
Số liệu trên cho thấy hậu quả nặng nề do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia. Đó cũng là một trong những lý do mà cơ quan soạn thảo đưa quy định “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” là một trong những hành vi cấm trong dự thảo luật.
Từ những phân tích trên cho thấy, nếu không cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” sẽ làm tăng số vụ tai nạn giao thông. Kéo theo đó là tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông khác, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nguồn lực của đất nước.
Chúng ta từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia. Thiệt hại về người, sức khỏe, tài sản trong các vụ tai nạn giao thông này là không thể đong đếm. Vì thế, việc Quốc hội thông qua dự thảo luật sẽ góp phần bảo đảm an toàn giao thông là trên hết.