Cần định danh xe hợp đồng để có cách “ứng xử” phù hợp
Thay vì áp dụng tư duy không quản được thì cấm, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu định danh rõ ràng về xe hợp đồng để có cách quản lý phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Đó là quan điểm được đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đưa ra tại tọa đàm "Ứng xử thế nào với xe hợp đồng?" do Báo Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức chiều nay, 13-6.
Nhiều tranh cãi về xe hợp đồng
Trong những năm qua, hoạt động vận tải đường bộ ngày càng phát triển mạnh mẽ, các phương tiện kinh doanh vận tải gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu đi lại của người dân.
Nếu như năm 2013, cả nước có tổng số 121.897 phương tiện kinh doanh vận tải thì đến hết năm 2023, số xe kinh doanh vận tải là 921.333 xe, tăng gấp 7,5 lần.
Trong số 331.914 xe khách, có 17.537 xe tuyến cố định, 225.264 xe hợp đồng, 4.717 xe du lịch, 74.222 xe taxi, 8.757 xe buýt và 1.417 xe trung chuyển. Số lượng xe hợp đồng chiếm đến gần 70% tổng số xe khách.
Hiện nay, còn nhiều tranh cãi về khái niệm, quy định hoạt động của loại xe này dẫn đến lượng lớn xe hợp đồng đang được gọi bằng những cái tên như xe trá hình tuyến cố định, xe hợp đồng trá hình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, loại hình xe hợp đồng đang đóng vai trò rất lớn trong vận chuyển, luân chuyển hành khách, được nhiều người dân lựa chọn sử dụng.
Tại sao xe hợp đồng hấp dẫn hành khách? Một số ý kiến cho rằng, vì các bến xe đang bố trí chưa hợp lý, phương tiện trung chuyển từ nhà đến bến và từ bến xe vào các khu vực trung tâm thành phố chưa thực sự thuận lợi; bến xe chưa tiện nghi.
Trong khi đó, xe hợp đồng, đặc biệt là các loại xe limousine có mức giá cạnh tranh, đưa đón thuận lợi nên đã có sự dịch chuyển rất lớn lượng khách từ vận tải liên tỉnh tuyến cố định sang xe hợp đồng. Hành khách có khuynh hướng sử dụng loại hình tiết kiệm thời gian, thuận tiện, được đón trả tận nơi. Đặc biệt, với xe hợp đồng, nhờ công nghệ phát triển, người làm vận tải và hành khách có thể kết nối chỉ bằng click chuột.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, xe hợp đồng cũng đang gây ra những hệ lụy, như gây quá tải lên hạ tầng giao thông; phá vỡ quy hoạch luồng tuyến vận tải; gây thất thu thuế; hành khách sẽ bị ảnh hưởng tới quyền lợi khi xảy ra sự cố về giao thông…
Đã đến lúc cần định danh chính xác
Đề cập đến công tác bảo đảm an toàn, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (nhà xe tuyến Hà Nội - Hải Phòng) cho biết, loại hình xe hợp đồng cùng các loại hình xe khác đều là kinh doanh có điều kiện. Để đáp ứng sự phát triển của doanh nghiệp, vấn đề sống còn luôn đặt lên hàng đầu là bảo đảm an toàn. Doanh nghiệp nào để mất an toàn giao thông sẽ phải chịu những hậu quả rất lớn.
"Ngoài việc tuân theo các quy định, chúng tôi phải có thêm những ứng dụng lái xe, ghi âm các hành vi ứng xử của lái xe với hành khách. Nói loại hình này gây mất an toàn giao thông là chưa đúng, vì nếu đúng như thế, khách hàng sẽ không lựa chọn. Nhu cầu đi lại của người dân đã thay đổi nên các doanh nghiệp vận tải buộc phải thay đổi. Cơ quan chức năng cần làm rõ hiện nay có bao nhiêu xe là trá hình, bao nhiêu xe không phải trá hình, từ đó có giải pháp xử lý nghiêm các đơn vi vi phạm”, ông Hải nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, vận tải khách theo hợp đồng đáp ứng nhu cầu về chất lượng dịch vụ ngày càng cao của hành khách. Trong kinh tế thị trường, người sử dụng dịch vụ sẽ là người quyết định xu thế phát triển của các loại hình dịch vụ. Do đó, dễ hiểu vì sao loại hình dịch vụ này phát triển rất mạnh trong thời gian ngắn, đó là nhờ sự đón nhận rộng rãi của người sử dụng.
"Cơ quan quản lý nhà nước nên nghiên cứu để định danh cho hình thức kinh doanh này sao cho phù hợp. Chúng ta cũng nên đưa loại hình kinh doanh này vào khuôn khổ pháp lý để quản lý, tạo điều kiện cho ngành vận tải phát triển theo hướng ngày một nâng cao chất lượng dịch vụ", ông Quyền đề xuất.
Đồng tình với việc phải định danh phù hợp, GS.TS Từ Sỹ Sùa (Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông Vận tải) kiến nghị: “Hiện tại, trên thế giới không có loại hình này nên chúng ta không thể nghiên cứu kinh nghiệm trên thế giới. Song, chúng ta không nên nghĩ “không quản được thì cấm”, mà phải định danh cụ thể khi thấy nó phù hợp với lợi ích của khách hàng. Theo tôi, phải bảo đảm hài hòa lợi ích của hành khách (an toàn, tiện nghi, hợp lý); lợi ích của doanh nghiệp và cuối cùng là lợi ích Nhà nước (không thất thu thuế, không thể quản lý)".