Hơn 117 triệu người phải rời bỏ nơi ở do biến động chính trị
Ngày 13-6, Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) công bố thống kê cho thấy, số người buộc phải rời bỏ nơi ở do những biến động chính trị đã lên mức kỷ lục 117,3 triệu người.
"Đây là những người tị nạn, người xin tị nạn, người di tản trong nước, những người bị buộc phải rời đi.... để trốn tránh xung đột và đàn áp bởi các hình thức bạo lực khác nhau, với diễn biến ngày càng phức tạp", Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi cho biết, đồng thời nhấn mạnh xung đột là một động lực chính dẫn đến việc mọi người phải rời nơi ở.
Người đứng đầu UNHCR cũng cảnh báo, con số này (tính đến cuối năm 2023) sẽ tiếp tục tăng hơn nữa nếu nhân loại không đạt được những thay đổi chính trị cần thiết.
Trong báo cáo về xu hướng toàn cầu trong việc buộc phải di dời, UNHCR cũng cho biết, có sự gia tăng hằng năm về số người buộc phải di dời trong 12 năm qua. Cơ quan này cũng cho rằng, việc di dời bắt buộc vẫn gia tăng trong năm 2024, với dự đoán số người phải di dời có thể đã vượt quá 120 triệu người vào cuối tháng 4-2024.
Theo UNHCR, xung đột dẫn đến việc di dời điển hình là cuộc chiến ở Sudan. Hơn 9 triệu người đã phải di dời trong nước và 2 triệu người khác đã chạy sang các nước láng giềng để tìm kiếm sự an toàn, bao gồm Chad, Ai Cập và Nam Sudan, Grandi...
Tại Dải Gaza, các cuộc oanh tạc và các chiến dịch trên bộ của Israel đã khiến khoảng 1,7 triệu người - gần 80% dân số Palestine - phải di dời trong nước, nhiều người trong số này phải di dời nhiều lần.
UNHCR cũng cảnh báo, việc người dân Gaza vượt biên vào Ai Cập từ thị trấn biên giới phía Nam Rafah để thoát khỏi cuộc tấn công quân sự của Israel sẽ dẫn đến "thảm họa", nhất là khi chưa thể đoán trước họ có thể trở lại quê hương vào khi nào.