Xã hội

Chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên tục gia tăng:Ngăn ngừa vi phạm “từ sớm, từ xa”

Vũ Minh 13/06/2024 - 06:55

Quỹ Bảo hiểm y tế được sử dụng chủ yếu cho việc khám, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế. Trước thực tế chi phí từ nguồn quỹ này tiếp tục gia tăng, ngành Bảo hiểm xã hội cùng các bên liên quan kiên quyết loại trừ chi phí chưa hợp lý, ngăn ngừa từ sớm, từ xa vi phạm trong hoạt động khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

bao-hiem.jpg
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội tăng cường giám sát, kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh: Hà Hiền.

Nguồn chi liên tục tăng

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên tục tăng trong những năm gần đây. Riêng 5 tháng đầu năm 2024, số tiền chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên phạm vi cả nước là hơn 52.800 tỷ đồng, tăng gần 6.200 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng hơn 13% so với thời điểm cuối tháng 5-2023.

Càng ở những tỉnh, thành phố đông dân cư, tập trung nhiều cơ sở y tế tuyến trung ương, số tiền chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế càng lớn. Tại Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh cho khoảng 5 triệu lượt bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế với số tiền chi lên tới hơn 9.000 tỷ đồng. Với đà tăng hiện nay, dự kiến, số tiền chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn Hà Nội sẽ tăng lên 11.160 tỷ đồng vào cuối tháng 6 này, tương ứng với mức tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Văn Phúc lý giải, việc gia tăng chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế do nhiều nguyên nhân. Dù xuất phát từ nguyên nhân chủ quan hay yếu tố khách quan, nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh và sự phát triển an toàn, ổn định, bền vững của quỹ an sinh.

Phân tích thông tin, dữ liệu khám, chữa bệnh, Giám đốc Trung tâm Giám định Bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Tuấn Đức cho biết thêm, mạng lưới cơ sở y tế tiếp nhận, điều trị ngày càng nhiều bệnh nhân mắc bệnh ung thư, tim mạch, bệnh mạn tính, bệnh hiếm, ghép tạng... Nhóm người không may mắc những bệnh này phải điều trị nội trú dài ngày, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, thuốc đắt đỏ. Khoản viện phí trở thành gánh nặng tài chính với đa số người bệnh và gia đình, nếu họ không tham gia bảo hiểm y tế để hỗ trợ phần lớn chi phí điều trị.

Trước tình hình đó, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, toàn ngành tích cực vào cuộc, chủ động phối hợp với các bên liên quan kiểm soát mức chi, kiên quyết loại trừ những chi phí chưa hợp lý, ngăn ngừa “từ sớm, từ xa” vi phạm trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Nhiều giải pháp kiểm soát

Để loại trừ những chi phí chưa hợp lý từ Quỹ Bảo hiểm y tế, giải pháp then chốt được các cơ quan chức năng triển khai là tăng cường thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Chánh Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam Bùi Quang Huy thông tin, tháng 5 vừa qua, ngành thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra 11 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế có mức chi cao tại hai tỉnh Nghệ An, Phú Thọ. Kết quả, lực lượng chức năng phát hiện một số chi phí khám, chữa bệnh không đủ điều kiện thanh toán bảo hiểm y tế với số tiền khoảng 18 tỷ đồng.

Tại các tỉnh, thành phố, cơ quan Bảo hiểm xã hội cùng cơ quan y tế và các đơn vị chức năng cũng tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tập trung ở những cơ sở có mức chi cao. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, các bên ghi nhận một số vi phạm phổ biến như tình trạng chỉ định sử dụng nhiều dịch vụ y tế không cần thiết cho bệnh nhân, thậm chí chẩn đoán bệnh chính kèm theo nhiều bệnh phụ, khiến bệnh nhân hoang mang, dẫn đến sử dụng nhiều dịch vụ, vật tư y tế. “Điều này vừa làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người bệnh, vừa làm hao hụt nguồn quỹ an sinh. Vì thế, chúng tôi kiên quyết từ chối thanh toán các chi phí không đúng quy định”, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến nhấn mạnh.

Ngoài việc “nói không” với những chi phí bất hợp lý, các bên còn chủ động ngăn ngừa vi phạm trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng nhiều giải pháp linh hoạt. Theo đó, đến thời điểm này, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch riêng về kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2024 gửi đến các đơn vị liên quan, yêu cầu tất cả các bên có trách nhiệm thực hiện. Ngoài ra, cơ quan Bảo hiểm xã hội các địa phương liên tục gửi văn bản cảnh báo đến những cơ sở y tế trên địa bàn có chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao đột biến, bất thường.

Về phần mình, ngành Bảo hiểm xã hội chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống giám định bảo hiểm y tế, qua đó phát hiện sớm những vi phạm và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp. Đặc biệt, trong tháng 6 này, Trung tâm Giám định Bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến tập trung phát triển công cụ quản lý, nhận diện rủi ro, góp phần chủ động phòng ngừa từ xa những vi phạm, bảo đảm nguồn quỹ được chi đúng đối tượng thụ hưởng, đúng tình trạng bệnh tật và nhu cầu cần điều trị của bệnh nhân.