Nông nghiệp - Nông thôn

Ứng Hòa nỗ lực phá thế thuần nông

Bạch Thanh 13/06/2024 - 06:42

Trước những hạn chế của việc phát triển kinh tế thuần nông, huyện Ứng Hòa xác định tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ. Nhiều cụm công nghiệp được hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội của Ứng Hòa dần chuyển mình, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao.

ung-hoa.jpg
Du khách lựa chọn sản phẩm hương tại làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Đỗ Tâm.

Bước chuyển mình quan trọng

Ứng Hòa vốn là huyện thuần nông, kinh tế nông nghiệp chiếm tới hơn 50%. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế thuần nông đã bộc lộ nhiều hạn chế và thách thức, thu nhập của người dân không ổn định, dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết và dịch bệnh; giá trị gia tăng từ sản phẩm nông nghiệp thấp...

Trước tình hình đó, huyện Ứng Hòa đã có những bước đi mạnh mẽ và quyết liệt để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ. Các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tạo ra khung pháp lý và môi trường thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển các cụm công nghiệp. Đặc biệt, việc thành lập các cụm công nghiệp: Bắc Vân Đình, Cầu Bầu và Xà Cầu đã tạo nên sự chuyển biến đáng kể trong phát triển kinh tế của huyện.

Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Hữu Nhất cho biết, xã có nhiều làng nghề phát triển, như nghề tăm hương, tái chế vật liệu.... Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của huyện Ứng Hòa và thành phố Hà Nội, Cụm công nghiệp Xà Cầu được hình thành, giúp các cơ sở sản xuất phát triển bền vững và giảm ô nhiễm. Hiện tại, tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội" và điểm đến "Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu" đã được triển khai, thu hút du khách tham quan và quảng bá văn hóa, sản phẩm địa phương. Đây là những yếu tố quan trọng giúp xã phát triển công nghiệp và dịch vụ bền vững.

Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho rằng, lực lượng lao động dồi dào, chăm chỉ và có tay nghề cùng với việc đẩy nhanh xây dựng và nâng cấp các tuyến đường giao thông… đã hỗ trợ tích cực cho sự phát triển công nghiệp và dịch vụ của huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Định thông tin, để thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ, huyện Ứng Hòa đã triển khai nhiều công việc cụ thể. Trong đó, việc quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp được đặt lên hàng đầu. Từ nay đến năm 2030, huyện phát triển 10 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 150ha. Đáng chú ý, Cụm công nghiệp Bắc Vân Đình, Cầu Bầu và Xà Cầu - giai đoạn 2 đã thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Chính quyền địa phương có nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, thủ tục hành chính, vốn… để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề phát triển.

“Từ những nỗ lực đó, huyện Ứng Hòa đang có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, góp phần làm phong phú nền kinh tế địa phương. Tổng giá trị sản xuất thương mại và dịch vụ của huyện từ đầu năm 2024 đến nay đạt khoảng 3.485 tỷ đồng, tăng 10,9%; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 853 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước”, ông Nguyễn Văn Định cho hay.

Còn vướng về quy hoạch

Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết cho biết, theo định hướng Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội sẽ có 2 thành phố trực thuộc và 5 trục phát triển. Huyện Ứng Hòa nằm trong trục phát triển phía Nam. Đây là định hướng quan trọng để Ứng Hòa chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, dịch vụ và du lịch.

Tuy nhiên, huyện Ứng Hòa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, đáng chú ý là sự phát triển công nghiệp tạo ra chất thải, khí thải, nước thải tác động xấu đến môi trường và sản xuất nông nghiệp. Việc triển khai xây dựng các cụm công nghiệp còn chậm. Hệ thống trung tâm thương mại chưa hình thành, các chợ dân sinh chưa được đầu tư; hoạt động du lịch chỉ dừng ở một số điểm nhỏ lẻ...

Ngoài ra, cạnh tranh gay gắt và biến động thị trường cũng đặt ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc duy trì và mở rộng hoạt động. Đặc biệt, nhiều quy hoạch của huyện chưa rõ ràng, nhất là việc xây dựng sân bay thứ hai. “Huyện mong các đơn vị sớm nghiên cứu và công bố rõ để làm cơ sở triển khai các dự án khác…”, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Thiết nói.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, bài toán quy hoạch hiện là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế của huyện Ứng Hòa. Nếu không giải quyết được vấn đề này, huyện sẽ thiếu động lực để phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Đến nay, thành phố đã xác định rõ vùng quy hoạch nông nghiệp ổn định của huyện, nhưng các vùng xanh khác cần được chuyển đổi sang công nghiệp và dịch vụ để Ứng Hòa phát triển bền vững.

“Các sở, ngành và đơn vị liên quan cần sớm làm rõ chiến lược phát triển cho vùng xanh Ứng Hòa. Nếu xây dựng sân bay, cần có quỹ đất dự trữ và đầu tư xứng tầm vào các dự án giao thông để phục vụ chiến lược dài hạn. Quy hoạch sân bay cũng phải tránh chồng lấn với các dự án công nghiệp, dịch vụ và du lịch, để không gây ra "nút thắt" trong phát triển...”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền lưu ý.