9 lãnh đạo huyện Tân Phú, Đồng Nai bị đề nghị khởi tố

Pháp luật - Ngày đăng : 13:27, 03/08/2005

Mới đây, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Đồng Nai đã có báo cáo về những sai phạm của một số cán bộ lãnh đạo huyện Tân Phú, cùng một số cán bộ đã để xảy ra hàng loạt sai phạm, gây thất thoát ngân sách trên 5 tỷ đồng trong các năm 1999-2002.

Mới đây, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Đồng Nai đã có báo cáo về những sai phạm của một số cán bộ lãnh đạo huyện Tân Phú, cùng một số cán bộ đã để xảy ra hàng loạt sai phạm, gây thất thoát ngân sách trên 5 tỷ đồng trong các năm 1999-2002.

Dự án nâng cấp đường Tà Lài, hiện Ban quản lý Công trình giao thông huyện Tân Phú còn nợ đơn vị thi công trên 200 triệu đồng.

Trong báo cáo, cơ quan điều tra đã đề nghị khởi tố đối với 9 cá nhân, trong đó có Nguyễn Quang Quế và Phạm Văn Bằng, hiện là Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng nằm trong danh sách bị đề nghị khởi tố còn có một thành viên của Ban Giám đốc kho bạc, Trưởng phòng tài chính - kế hoạch Hoàng Đình Huy, Phó phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Ngọc Vinh và 4 kế toán, thủ quỹ của các phòng trên.

Trong khoảng thời gian từ1999 đến 2002, ông Quế làm trưởng ban chỉ đạo chương trình xóa đói giảm nghèo (135) và ông Bằng làm trưởng ban Quản lý công trình giao thông huyện Tân Phú đã ký nhiều hợp đồng thuê một số công ty thi công các công trình như: đường Tà Lài, Trà Cổ, Phú Xuân - Thanh Sơn; làm mương thoát nước xã Nam Cát Tiên; xây trường học Ngọc Lâm... Tất cả các công trình đều đưa vào sử dụng đã lâu nhưng các ban quản lý trên không trả tiền xây dựng cho các đơn vị thi công dù ngân sách đã xuất tiền. Hàng loạt công ty như: Công ty xây dựng số 5, Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ 79, Công ty tư vấn xây dựng Đồng Nai, Công ty xây lắp thủy lợi, Công ty Hồng Hà, Bến Thành, Duy Tiên... là chủ nợ của hai ban quản lý.

Đầu năm 2004, các đơn vị thi công đã gửi văn bản đến Thường trực huyện ủy, UBND huyện và các cơ quan liên quan đề nghị can thiệp để thu hồi nợ. Trước những văn bản đề nghị thu hồi nợ trên, tháng 5/2004, lãnh đạo huyện Tân Phú đã quyết định lập đoàn thanh tra liên ngành. Kết quả cho thấy, trong tổng số 53 công trình xây dựng cơ bản mà các ban quản lý ký hợp đồng với 6 đơn vị thiết kế và 9 đơn vị thi công, hiện vẫn còn gần 10 doanh nghiệp chưa được trả đủ tiền. Tổng số nợ lên tới hơn 5 tỷ đồng.

Theo thanh tra, lãnh đạo của Ban quản lý không kiểm tra sổ sách kế toán, không nghe báo cáo tình hình sử dụng vốn đầu tư các công trình xây dựng cơ bản... Mọi việc hầu như giao phó cho Phó ban thường trực Vũ Văn Nhu và kế toán Nguyễn Thị Ngọc Thinh. Sau khi rút tiền mặt từ kho bạc, bà Thinh không hề chi trả cho các nhà thầu mà mang luôn về nhà riêng và chiếm giữ, sử dụng trái phép. Vào tháng 4/2005, nguyên trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú kiêm Phó các Ban quản lý công trình giao thông Vũ Văn Nhu và kế toán Nguyễn Thị Ngọc Thinh đã bị khởi tố và bắt tạm giam vì tội tham ô và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ban quản lý Công trình giao thông huyện Tân Phú còn nợ Dự án xây dựng đường giao thông Trà Cổ trên 300 triệu đồng.  

Không dừng lại ở những sai phạm trên, vào năm 2002, theo đề nghị của huyện, quỹ phòng chống lụt bão của tỉnh cấp cho huyện Tân Phú 120 triệu đồng để đóng một chiếc xe bồn chở nước. Sau khi có tiền, bà Thinh đã đến một cơ sở đóng xe gần đó ký hợp đồng đóng một xe nhỏ hơn (chở được 3,5 m3) chỉ với giá 60 triệu (thay vì phải đóng xe theo yêu cầu là 120 triệu, chứa được 10 m3). Tuy nhiên, khi có được hợp đồng với cơ sở sản xuất xe, bà Thinh đã câu kết với một số cán bộ của các phòng: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài chính, Kho bạc... làm hồ sơ quyết toán khống 120 triệu đồng trên. Hiện nay xe chỉ nằm trên giấy còn tiền thì đã bị thất thoát.

Năm 2003, huyện Tân Phú ký hợp đồng với một Công ty ở Biên Hòa để xây dựng một chương trình quản lý kế toán hành chính sự nghiệp cho toàn huyện. Có 86 đơn vị được lắp đặt, kết nối mạng (giá trung bình gần 5 triệu đồng/đơn vị) nhưng đến nay đã gần hai năm, kể từ khi lắp đặt xong, chương trình này bị lỗi không sử dụng được. Theo tính toán, công trình này cũng đã gây lãng phí hàng trăm triệu đồng. Hiện cơ quan điều tra đã vào cuộc để làm rõ vụ việc.

Khi mở rộng điều tra để làm rõ những sai phạm, Cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều sai phạm khác của các ông Quế, Bằng, Huy... như thiếu trách nhiệm để cho cấp dưới làm trái và tham ô tài sản. Vì những sai phạm trên, huyện ủy Tân Phú đã đề nghị cảnh cáo về mặt Đảng đối với ông Nguyễn Quang Quế và Phạm Văn Bằng, Chủ tịch và Phó chủ tịch Huyện Tân Phú, Thường vụ tỉnh ủy Đồng Nai. Sau đó, Chủ tịch và Phó chủ tịch huyện đã tự nhận trách nhiệm và xin từ chức.

Ông Đặng Mạnh Trung, Bí thư huyện ủy Tân Phú cho biết, trong quá trình điều tra, nếu phát hiện cá nhân nào có sai phạm, huyện ủy sẽ cương quyết xử lý, không bao che.

Tân Phú là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Đồng Nai, hiện vẫn còn khoảng 600 căn nhà rách nát cần phải xây dựng lại.

Theo VNE

HONGHAI