Kinh tế

Kinh tế Nhật Bản suy giảm ít hơn dự báo: Khó khăn vẫn ở phía trước

Hoàng Linh 12/06/2024 - 06:55

Mặc dù số liệu vừa cập nhật cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) không giảm quá sâu như các ước tính trước đó, nhưng Nhật Bản chưa thể vui mừng, bởi viễn cảnh kinh tế chưa có tín hiệu khởi sắc rõ nét.

Với những khó khăn vẫn ở phía trước, bộ máy điều hành của quốc gia Mặt trời mọc đang nỗ lực chèo lái nền kinh tế sớm trở lại quỹ đạo phát triển.

tieu-dung-ca-nhan-tai-nhat-ban-giam-mot-phan-do-nhung-be-boi-cua-nganh-cong-nghiep-o-to.-anh-tech-xplore.jpeg
Tiêu dùng cá nhân tại Nhật Bản giảm một phần do những bê bối của ngành công nghiệp ô tô. Ảnh: Tech Xplore

Số liệu điều chỉnh do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 10-6 cho thấy, GDP thực tế của nước này (đã được điều chỉnh theo chỉ số lạm phát) trong quý I-2024 chỉ giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thay vì mức giảm 2% như báo cáo trước đó. So với quý IV-2023, GDP thực tế của Nhật Bản chỉ giảm 0,5%.

Sự cải thiện “nhẹ nhàng” của GDP đến từ khoản đầu tư của doanh nghiệp giảm ít hơn dự kiến, theo số liệu điều chỉnh ghi nhận mức giảm 0,4% (thay vì giảm 0,8%) so với quý trước đó. Giới chuyên gia kinh tế nhận định, diễn biến này có thể đến từ việc các doanh nghiệp tăng cường chi tiêu.

Tuy nhiên, vui mừng chưa thể đến ngay, khi thực tế là kiềng 3 chân của nền kinh tế xứ Hoa anh đào (bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu) đều sụt giảm đáng kể so với quý trước đó.

Ngay trong tháng 6, Nhật Bản bị Nga vượt mặt, tụt xuống thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới theo sức mua tương đương (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới). Tiêu dùng cá nhân (vốn đóng góp hơn 50% cho nền kinh tế Nhật Bản) suy yếu được coi là “thủ phạm” kéo lùi nền kinh tế giai đoạn vừa qua, với mức giảm 0,7%. Đây cũng là quý thứ tư liên tiếp tiêu dùng cá nhân ở Nhật Bản giảm.

Cùng lúc, việc Daihatsu thuộc Toyota vấp bê bối gian lận dữ liệu đã khiến thị trường ô tô Nhật Bản lao dốc, cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chi tiêu tiêu dùng cá nhân. Trong khi đó, lạm phát tăng cao đã kìm hãm sức mua của người tiêu dùng Nhật Bản.

Đồng yên yếu so với đồng USD tiếp tục tác động tiêu cực tới xuất khẩu và nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong quý đầu năm nay giảm 5%, kim ngạch nhập khẩu giảm 3,4%. Trong bối cảnh nhập khẩu năng lượng giảm. Thâm hụt thương mại tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm trước, lên mức 661,5 tỷ yên (4,2 tỷ USD).

Các nhà phân tích trước đây từng cho rằng, kinh tế Nhật Bản có cơ hội phục hồi trong quý II-2024. Nhưng diễn biến thực tế đang phủ màu u ám, khi hàng loạt hãng xe lớn tiếp tục trải qua giai đoạn khó khăn đầu tháng 6 do những bê bối liên quan tới quy trình đánh giá chất lượng sản phẩm lan rộng, tác động tới nhiều “ông lớn” như Honda, Yamaha hay Suzuki.

Để ứng phó, các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản đang tìm nhiều phương án khác nhau nhằm kích cầu tiêu dùng, trong đó cố gắng ổn định tiền lương và lạm phát. Nỗ lực này có thuận lợi khi người dân đang có xu hướng chi tiêu mạnh hơn sau khi các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được chính phủ dỡ bỏ.

Số liệu của Bộ Truyền thông Nhật Bản ghi nhận, hộ gia đình có từ hai người trở lên chi tiêu trung bình 313.300 yên (khoảng 2.000 USD) trong tháng đầu tiên của quý II-2024, tăng 0,5% so với tháng 4-2023, là lần đầu tiên tăng trong 14 tháng.

Tuy nhiên, “gió ngược” cũng xuất hiện, khi khảo sát của Tokyo Shoko Research chỉ ra, số doanh nghiệp phá sản ở Nhật Bản trong tháng 5 đã tăng 42,9% so với một năm trước đó. Đây là lần đầu tiên sau khoảng 11 năm số vụ phá sản hằng tháng vượt quá mốc 1.000, do nhiều công ty mắc nợ phải vật lộn để phục hồi sau dịch Covid-19. Số vụ phá sản liên quan đến tình trạng thiếu hụt lao động do chính sách tăng lương và các lý do khác cũng tăng mạnh.

Các nhà kinh tế cho rằng, đồng yên yếu, lạm phát và tình trạng thiếu lao động xảy ra vào thời điểm các khoản hỗ trợ liên quan đến Covid-19 kết thúc đã đè nặng lên các doanh nghiệp.

Không e ngại khó khăn, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cùng Nội các của mình đang nỗ lực xây dựng kế hoạch kinh tế, tài chính dài hạn, kỳ vọng có thể thúc đẩy tăng trưởng sau gần 2 thập kỷ giá cả sụt giảm và kinh tế đình trệ. Kế hoạch mới, dự kiến kéo dài 6 năm kể từ tháng 4-2025, có mục tiêu thúc đẩy năng suất và đầu tư để đạt tăng trưởng thực hằng năm hơn 1% theo hướng ổn định và "tái khôi phục sức khỏe tài chính”.

Có thể thấy, bộ máy điều hành của Nhật Bản đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn trong nỗ lực chèo lái nền kinh tế. Tuy nhiên, với tinh thần quật cường, đất nước Mặt trời mọc chắc chắn sẽ có những giải pháp vượt thách thức để sớm trở lại quỹ đạo phát triển, đóng góp tích cực vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.